Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp

NDO - Để hút dòng vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các chính sách, cơ chế thông thoáng, thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn. Nhờ đó, trong quý I/2023, tổng vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt gần 500 triệu USD, góp phần tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và là điểm đến của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên) đang thu hút nhiều dự án của các nhà đầu tư thứ cấp.
Khu công nghiệp bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên) đang thu hút nhiều dự án của các nhà đầu tư thứ cấp.

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Với phương châm luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và gắn bó với địa phương, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực hoàn thiện các quy hoạch, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời luôn đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Vương Thành, Tổng Giám đốc vận hành Tập đoàn TCL (Hồng Kông, Trung Quốc) khẳng định, với những tiềm năng nổi trội, chính sách thông thoáng, cùng sự hỗ trợ, đồng hành nhiệt tình, trách nhiệm của tỉnh, Quảng Ninh luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của Tập đoàn khi nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam.

Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các sở, ban, ngành trực tiếp trao đổi tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp có các dự án tại khu công nghiệp bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên.

Dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sông Khoai, do Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long làm chủ đầu tư, được phân kỳ thành 5 giai đoạn với tổng diện tích 714ha, tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng.

Đến nay, khu công nghiệp đã thực hiện thi công san lấp diện tích 116,5ha; hoàn thành 2 làn đường gom với chiều dài 1,5km thuộc đường trục chính đông-tây, tuyến đường trục chính còn lại dài 4,5km đang tiếp tục thực hiện đầu tư.

Chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện, đóng điện trạm biến áp 110kV Amata, đưa vào sử dụng trạm cấp nước và trạm xử lý nước thải… bảo đảm việc cung cấp điện, nước và xử lý nước thải cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp ảnh 2

Một số dự án tại khu công nghiệp bắc Tiền Phong đang được các doanh nghiệp triển khai.

Đến nay, khu công nghiệp Sông Khoai đang có 5 dự án đã và đang triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam có tổng vốn đầu tư 365,6 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên của khu kinh tế ven biển Quảng Yên kể từ khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ và cũng là dự án thứ cấp đầu tiên tại khu công nghiệp Sông Khoai khởi động sản xuất.

Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp ảnh 3

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp có dự án tại khu công nghiệp bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên.

Ông Nguyễn Văn Nhân, đại diện chủ đầu tư khu công nghiệp Sông Khoai cho biết: Ngoài 2 dự án thứ cấp được tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đầu năm, hiện có 10 nhà đầu tư đang nghiên cứu và có kế hoạch đầu tư vào khu công nghiệp trong năm nay trên tổng diện tích gần 100ha, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1 tỷ USD. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương chuẩn bị mặt bằng, bổ sung, nâng cấp hạ tầng thiết yếu để bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất đón các nhà đầu tư thứ cấp.

Để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long đã phối hợp với thị xã Quảng Yên đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành đường trục chính đông-tây; làm việc với ngành điện để điều chỉnh nguồn cung cấp điện từ 189MW lên 315MW, tiến hành nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ 12.000m3/ngày lên 16.000m3/ngày, tăng gấp đôi lượng nước cấp từ 13.000m3 lên 24.000m3. Bên cạnh đó, chủ đầu tư khu công nghiệp đề xuất với tỉnh Quảng Ninh được triển khai bổ sung hệ thống cung cấp năng lượng sạch là điện mặt trời và điện gió, nhằm giảm thiểu mức tiêu hao điện năng từ lưới điện quốc gia.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Hiện nay, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư FDI vào địa bàn Quảng Ninh rất lớn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Vì vậy, các sở, ban, ngành và thị xã Quảng Yên cần tập trung cao độ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 2 chủ đầu tư khu công nghiệp Sông Khoai và bắc Tiền Phong về giải phóng mặt bằng, cung cấp điện và triển khai khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI

Nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh về kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, cho biết: Trong năm 2023, chúng tôi tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp bắc Tiền Phong. Với những giải pháp mang tính tổng thể của tỉnh, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại khu công nghiệp bắc Tiền Phong sẽ là yếu tố quan trọng để đóng góp cùng với tỉnh Quảng Ninh thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế trong năm 2023.

Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp ảnh 4

Nhà máy sản xuất công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.

Trong năm 2023, DEEP C tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp bắc Tiền Phong để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, nhất là đối với những dự án lớn, sử dụng công nghệ cao. Trong đó, đang xúc tiến, thu hút đầu tư từ 4 đến 5 nhà đầu tư hạ tầng cảng và dịch vụ cảng để phát triển khu công nghiệp bắc Tiền Phong, khu công nghiệp nam Tiền Phong thành khu công nghiệp đa chức năng, tích hợp khu hóa chất hóa dầu và hệ thống cảng biển nội khu. Hiện các nhà đầu tư này đang có những đàm phán với chủ đầu tư để đi đến thống nhất phương án hợp tác và triển khai dự án.

Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp ảnh 5

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các sở, ban, ngành thăm dây chuyền sản xuất của Nhà máy Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy sau khi trực tiếp đi kiểm tra tiến độ đầu tư, xây dựng khu công nghiệp Sông Khoai đã yêu cầu thị xã Quảng Yên phải đẩy nhanh việc hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2023, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Chủ đầu tư khu công nghiệp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục chưa hoàn thành, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư thứ cấp triển khai đầu tư sớm tại khu công nghiệp, quyết tâm thu hút hơn 1 tỷ USD vào khu công nghiệp, khu kinh tế tại Quảng Yên trong năm 2023.

Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp ảnh 6

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.

Dự kiến hết năm 2023, khu công nghiệp Sông Khoai sẽ có tổng số khoảng 15 dự án của nhà đầu tư thứ cấp được triển khai với tổng vốn đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2023 sẽ có 12 dự án được triển khai đầu tư với tổng vốn đạt khoảng 1 tỷ USD. Điều này sẽ đóng góp quan trọng vào mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD theo tinh thần Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các năm tiếp theo.