Theo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, từng bước thực hiện mục tiêu “dân thụ hưởng”.
Nhận thức và hành động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và thực hiện quyền dân chủ trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” có chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong tình hình mới.
Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số địa phương, đơn vị có lúc, có nơi chưa được quan tâm thực hiện, còn hình thức; ý kiến nhân dân chưa thực sự được lắng nghe đầy đủ. Hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội còn hạn chế. Việc lợi dụng vấn đề dân chủ nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Quảng Ngãi yêu cầu kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. |
Để việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về quan điểm “dân là gốc”, mọi chủ trương, chính sách thực sự phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng và quyền lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc những nội dung liên quan đến dân chủ và thực hành dân chủ, nhất là tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thật sự tin tưởng, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 4054-QĐ/TU ngày 24/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp thu góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp và nhân dân.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của Đảng, dân vận chính quyền theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Rà soát, xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại cơ sở.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết và chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của dân, không để phát sinh “điểm nóng”.
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ trong xử lý công việc của sở, ngành, địa phương.
Thường xuyên bồi dưỡng, phát huy năng lực, thái độ vì nhân dân phục vụ, tận tụy, cống hiến; “dân thụ hưởng” phải được bắt đầu từ trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, những vấn đề dư luận xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân quan tâm; giám sát việc nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Phát huy tốt vai trò của người có uy tín, chức sắc tiêu biểu, lực lượng nòng cốt ở cơ sở trong tuyên truyền, vận động, đồng thời phản bác những thông tin xấu, xuyên tạc của các thế lực thù địch.