Hội nghị đánh giá, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Ban Chỉ đạo thường xuyên được củng cố, kiện toàn; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Ban Chỉ đạo cũng đã xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra hằng năm; làm tốt chức năng tham mưu với Ban Chấp hành T.Ư, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những chủ trương, giải pháp nhằm mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… Tuy nhiên, ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan việc thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên, kịp thời. Một số nơi, hoạt động của Ban Chỉ đạo chưa chủ động, sáng tạo, công tác tham mưu chậm, nhất là trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở một số loại hình như: Trong sinh hoạt đảng, trong công tác cán bộ, trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...
Hội nghị xác định phương hướng trọng tâm của năm 2021 là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trên các loại hình và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động gắn với trách nhiệm từng thành viên…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần được làm tốt hơn, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, nhất là thông qua dân chủ trực tiếp. Cần quan tâm hơn tới việc nghiên cứu, ban hành chính sách để bảo đảm phù hợp thực tiễn, góp phần tạo sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình phát triển của đất nước. Đồng chí đề nghị, Ban Chỉ đạo chú trọng phối hợp thực hiện tốt việc đánh giá tình hình nhân dân và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cùng với đó, tập trung tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh chương trình kiểm tra, giám sát tại các khu vực (gồm nhiều địa phương và tập đoàn, doanh nghiệp lớn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp) để có những đánh giá toàn diện…