Tại núi Mang Kà Muồng xuất hiện các vết nứt đất dài 60m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2m, dưới chân núi đất, đá sạt xuống chất đống, có nguy cơ cao sạt lở bất cứ lúc nào nếu thời tiết mưa liên tiếp, kéo dài nhiều ngày.
Đáng lo ngại, các vết nứt trên đe dọa trực tiếp Điểm trường mầm non Hướng Dương có 27 trẻ và 1 cô giáo, nhà ở của 4 hộ dân dưới chân núi, 5.000m2 đất nông nghiệp phía trên đỉnh núi và keo trồng trên đất. Đồng thời, nguy cơ sạt lở gây tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường ĐH77 nối dài đi hồ chứa nước Nước Trong, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng, Nhà máy thủy điện Nước Trong, nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông số 7, Điểm trường tiểu học Sơn Bao.
Vết nứt đất tại núi Mang Kà Muồng dài 60m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2m, có nguy cơ cao sạt lở bất cứ lúc nào nếu thời tiết mưa liên tiếp, kéo dài nhiều ngày. |
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước trong khu vực có nguy cơ cao sạt lở tại núi Mang Kà Muồng, Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đã tổ chức dựng biển cảnh báo nguy hiểm, rào lưới B40 để hạn chế đá lớn lăn ra đường giao thông; phối hợp Công an huyện Sơn Hà, Trường mầm non Hướng Dương chuyển lớp học tại điểm trường thôn đến địa điểm bảo đảm an toàn (Điểm trường tiểu học Sơn Bao).
Song song đó, chính quyền địa phương còn thông báo rộng rãi cho nhân dân trong vùng biết để phòng tránh nguy hiểm tại điểm sạt lở và chỉ đạo ban cán sự thôn tổ chức vận động các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp di dời đến nơi cư trú an toàn tại nhà ở của các hộ dân khác trong thôn.
Điểm sạt lở tại núi Van Cà Vãi, thị trấn Di Lăng đang được huyện Sơn Hà khẩn trương khắc phục nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà Phan Anh Quang, ngoài điểm sạt lở mới phát hiện tại núi Mang Kà Muồng, hiện trên địa bàn toàn huyện có 83 điểm có nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến 1.809 hộ với 7.501 khẩu. Trong đó, có 27 điểm có nguy cơ sạt lở đất tại địa bàn 12 xã, thị trấn, 9 điểm có nguy cơ lũ quét tại địa bàn các xã Sơn Bao, Sơn Nham, Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Giang.
Trên cơ sở tình hình thực tế, phụ thuộc vào địa hình, vị trí địa lý của từng khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tại, huyện Sơn Hà đã đưa ra nhiều phương án tổ chức di dời dân hợp lý, sát với thực tế từng địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang kiểm tra công tác ứng phó sạt lở trên địa bàn huyện miền núi Sơn Hà. |
Cụ thể, có 16 điểm người dân tự di dời, xem ghép ở với nhau (chủ yếu là các khu vực có ít hộ dân sinh sống, địa hình bị chia cắt, có người thân người quen sống ở khu vực an toàn); 67 điểm tổ chức di dời tập trung như trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa thôn đối với các vị trí khu vực đông dân cư, gần các cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn ở khu vực cao ráo, ổn định.
Trong đó, có những vị trí được huyện hết sức quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường theo dõi và chủ động di dời dân đến nơi an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra như: núi Van Cà Vãi, núi Làng Bồ, núi Nước Nia tại thị trấn Di Lăng; núi tại xóm Làng Rên (xã Sơn Hải) và núi tại thôn Xà Nay (xã Sơn Nham),…