Quảng Ngãi: Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Sơn Tây có nguy cơ bị vùi lấp vì sạt lở núi

NDO - Nhiều trụ sở cơ quan hành chính huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng ngay dưới chân núi. Mưa lớn, đất đá đổ tràn vào khuôn viên, phòng làm việc của nhiều đơn vị khiến nhiều cán bộ, nhân viên lo sợ bị vùi lấp.
Hàng trăm khối đất đá từ núi cao trượt xuống khu vực nơi có nhiều cơ quan hành chính huyện Sơn Tây.
Hàng trăm khối đất đá từ núi cao trượt xuống khu vực nơi có nhiều cơ quan hành chính huyện Sơn Tây.

Sau những đợt mưa lớn năm 2023, hàng nghìn khối đất đá từ trên núi cao đổ tràn vào khuôn viên trụ sở Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Đất, đá tràn vào chân tường, phòng làm việc và vùi lấp một số công trình phụ của đơn vị. Cách chân núi khoảng 20m, mảng đất, đá lớn đổ xuống khoét sâu thân núi, nguy cơ sạt lở tiếp tục đe dọa vùi cơ quan này.

Đồng chí Lê Văn Luật, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây cho biết, trụ sở làm việc được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016. Nhiều năm qua, tại khu vực này liên tục sạt lở nặng, bùn, đất đổ xuống ngày càng nhiều.

“Năm nào cũng xin huyện kinh phí dọn dẹp sau mưa bão. Năm nay, bùn, đất tràn xuống nhiều hơn. Ở đây không an toàn nên chúng tôi phải làm đơn xin huyện cho chuyển nơi làm việc về khu hành chính cũ cách đây mấy cây số”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây lo lắng.

Quảng Ngãi: Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Sơn Tây có nguy cơ bị vùi lấp vì sạt lở núi ảnh 1

Sạt lở núi vùi lấp một phần trụ sở Liên đoàn lao động huyện Sơn Tây đe dọa tính mạng cán bộ, nhân viên đơn vị

Xây dựng ngay chân núi còn có các cơ quan, đơn vị của huyện Sơn Tây là Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nhà công vụ huyện Sơn Tây. Sạt lở núi liên tục xảy ra khiến khu vực này cũng có nguy cơ bị đất đá tràn trên núi cao xuống vùi lấp nhiều cơ quan, đơn vị.

Phía sau Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây, mảng núi sạt lở từ Liên đoàn Lao động huyện kéo dài khiến đất đá tràn qua khuôn viên của đơn vị này. Hàng trăm khối đất, đá sạt lở nhiều năm san bằng khuôn viên phía sau Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Cách khu vực sạt lở Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây khoảng 50m, một mảng núi khác cũng đổ ập bùn đất tràn vào cơ quan, đơn vị huyện. Khối lượng đất trượt kéo dài từ trên cao đổ xuống tiếp tục “treo” trên các trụ sở hành chính của huyện Sơn Tây.

Quảng Ngãi: Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Sơn Tây có nguy cơ bị vùi lấp vì sạt lở núi ảnh 2

Nhiều cơ quan hành chính huyện xây dựng ngay chân núi có nguy cơ bị vùi lấp nếu mưa lũ lớn

Tình trạng sạt lở núi uy hiếp nhiều cơ quan, đơn vị của huyện Sơn Tây xảy ra từ nhiều năm qua, ngay sau khi các cơ quan này chuyển đến làm việc. Xây dựng từ năm 2015 và đưa vào sử dụng năm 2016, đến mùa mưa năm 2017 các cơ quan, đơn vị xây dựng quanh khu vực núi này đã bị hàng nghìn khối đất, đá tràn xuống đe dọa tính mạng cán bộ nhân viên làm việc tại đây. Hơn 500m bờ kè, ta-luy bảo vệ, rãnh bê-tông thoát nước bị cuốn trôi, đất đá vùi lấp. Nhiều khu vực, vị trí sạt lở núi chỉ cách các cơ quan hành chính từ 50 - 100m. Các cơ quan hành chính, nhà công vụ huyện Sơn Tây bị đất đá vùi lấp, lấn sâu bên trong khu nhà ở, phòng làm việc của đơn vị.

Đến năm 2018, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây chi 10 tỷ đồng xây dựng. Ngay sau đó, huyện Sơn Tây khắc phục khẩn cấp bằng biện pháp kè rọ đá năm lớp với độ cao 6m, chiều dài kè 164m để giữ chân núi hạn chế sạt lở. Đồng thời, san ủi, bạt mái ta-luy, hạ thấp độ cao ngọn núi để tránh đất đá từ trên cao đổ xuống khu hành chính, nhà công vụ.

Tuy nhiên, nhiều năm qua tình trạng sạt lở vẫn liên tục xảy ra đe dọa tính mạng cán bộ, nhân viên các đơn vị và người dân quanh khu vực này.

Quảng Ngãi: Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Sơn Tây có nguy cơ bị vùi lấp vì sạt lở núi ảnh 3

Đất đá tiếp tục đổ tràn từ trên núi cao xuống phá hỏng các bờ kè, rọ đá gia cố

“Cũng không hiểu vì sao lãnh đạo huyện giai đoạn đó lại xây dựng nhiều cơ quan hành chính ngay chân núi như vậy. Vùng này thường xuyên xảy ra sạt lở nên khi xây dựng thì lẽ ra phải đánh giá, kiểm tra kỹ địa hình, địa chất chứ thế này vừa lãng phí, vừa nguy hiểm cho anh em làm việc ở đấy”, ông H, nguyên cán bộ huyện Sơn Tây chia sẻ.