Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà Trần Thanh Trung, đến trưa 10/10, nước lũ dâng cao làm ngập cầu Sơn Giang-Sơn Linh; cầu Tầm Linh (xã Sơn Linh); cầu Sơn Kỳ (xã Sơn Kỳ) khiến khu vực xã Sơn Linh và Sơn cao, giữa huyện Sơn Hà và huyện Minh Long bị chia cắt.
Để chủ động ứng phó với các tình huống ngập lụt vùng trũng, thấp, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo, tuyệt đối không cho người và phương tiện đi qua các ngầm, tràn (cầu Thạch Nham, cầu Sơn Giang-Sơn Linh, cầu Sơn Kỳ, cầu Tầm Linh ...), các tuyến đường bị ngập sâu có nước chảy xiết, tuyến đường bị sạt lở; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ, tránh các trường hợp bị thiệt mạng do chủ quan.
Huyện Sơn Hà bố trí lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo, tuyệt đối không cho người và phương tiện đi qua các ngầm, tràn bị ngập sâu. |
Kiểm tra, rà soát các điểm dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, có nguy cơ cao bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét để kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn theo phương án đã được phê duyệt; đặc biệt lưu ý các khu vực đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất do mưa như: khu dân cư Làng Bồ, khu tái định cư Đồi Gu thị trấn Di Lăng; 4 hộ dân sinh sống khu vực đồi Làng Rên, xã Sơn Hải.
Tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tại cơ sở để sẵn sàng hỗ trợ người dân và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Thường xuyên theo dõi thông tin vận hành điều tiết nước của các hồ chứa nước Nước Trong, thủy điện Đakđrinh, thủy điện Sơn Trà... để kịp thời thông báo đến nhân dân vùng hạ du và có phương án xử lý kịp thời.