Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ho gà tại thành phố Quảng Ngãi và trên địa bàn tỉnh; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại thành phố Quảng Ngãi; kịp thời phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, phối hợp với Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm kịp thời rà soát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh ho gà, có yếu tố dịch tễ liên quan đến người bệnh đến khám tại bệnh viện để kịp thời hướng dẫn chỉ đạo các bộ phận/cơ quan chuyên môn khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch phòng chống sởi, ho gà và triển khai các hoạt động phòng, chống sởi, ho gà trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng, bảo đảm phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; lưu ý nội dung hỗ trợ nhân viên y tế, người bệnh có tiếp xúc với trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi, ho gà để đánh giá tình trạng miễn dịch và tiêm phòng đầy đủ.
Đối với các cơ sở điều trị tuyến tỉnh, huyện: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với dịch bệnh theo các mức độ, quy mô của dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị, hóa chất, bố trí giường bệnh, chuẩn bị nhân lực phù hợp để sẵn sàng thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm cần lưu ý việc khám sàng lọc, phân luồng, cách ly điều trị các người bệnh nghi nhiễm ho gà để kịp thời xử lý không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện và kịp thời thông tin cho Trung tâm Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi, giám sát; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới khám phát hiện, chẩn đoán sớm trường hợp ho gà.
Đối với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường giám sát chủ động phát hiện sớm các các trường hợp nghi bệnh ho gà tại cộng đồng và tại cơ sở điều trị từ tuyến xã, phường, thị trấn; tiến hành điều tra dịch tễ học, điều tra về tiền sử tiêm phòng bệnh ho gà đối với các trường hợp nghi bệnh ho gà để báo cáo, khống chế kịp thời; tăng cường tiêm chủng đủ liều, đúng lịch vaccine theo hướng dẫn và chỉ đạo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bảo đảm không bỏ sót đối tượng và an toàn tiêm chủng.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống bệnh ho gà, lợi ích của việc tiêm phòng vaccine, chú ý vào việc tiêm phòng vaccine đúng lịch, đủ mũi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng để cho các bà mẹ hiểu và đưa con đi tiêm chủng; hướng dẫn cho người dân về các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Riêng Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi tập trung theo dõi, chủ động điều trị dự phòng kháng sinh và phát hiện sớm trường hợp mắc mới; đồng thời tuyên truyền biện pháp phòng bệnh, chốt và tiêm các đối tượng đã đến lịch tiêm nhưng chưa đủ mũi tiêm chủng; thực hiện tốt việc cách ly tại nhà theo quy định đối với những người tiếp xúc gần; hướng dẫn xử lý môi trường tại nhà người bệnh và các hộ có trẻ tiếp.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi vừa ghi nhận 2 trường hợp dương tính với bệnh ho gà, trong đó 1 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng bệnh ho gà, 1 trường hợp đã tiêm 1 mũi vaccine “5 in 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.