Đây đều là các trường hợp trẻ em, trong đó có 3 trẻ dưới 1 tuổi và đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vaccine có thành phần ho gà. Hiện, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, chỉ còn 1 trẻ đang phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, gây biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong ở một số trường hợp. Đáng lo ngại, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao, thời gian ủ bệnh dài, biểu hiện và triệu chứng của bệnh dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh ho gà chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua giọt nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như: viêm phổi nặng, đây là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, trẻ mắc ho gà còn có thể có các biến chứng như: lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác…
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Thanh Nga khuyến cáo với các bậc phụ huynh, để hạn chế tình trạng nhiễm bệnh ho gà thì vấn đề tiêm phòng vaccine theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhất. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hơn 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu bị ốm, thường xuyên vệ sinh tay đối với những người chăm sóc trẻ thường xuyên và tăng cường về dinh dưỡng cho trẻ nếu trẻ ốm, ho, sổ mũi hoặc có những tình trạng ho kéo dài, trong cơn ho có thể đỏ mặt hoặc tím thì phải cho trẻ đi kiểm tra ngay.
Người dân cần nâng cao cảnh giác phòng ho gà-bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao. |
Trước tình hình xuất hiện các ca mắc ho gà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh, người tiếp xúc gần để triển khai các biện pháp phòng, chống theo đúng khuyến cáo; đề nghị các trường học tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ và vệ sinh lớp học, theo dõi sức khỏe của trẻ, truyền thông, hướng dẫn người chăm sóc trẻ các biểu hiện đặc trưng của ho gà để kịp thời thông báo với các cơ sở y tế.
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Thanh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
Trong thời gian qua, do tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine chứa thành phần ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc và trong tỉnh dẫn đến khoảng trống miễn dịch trong nhóm trẻ đến độ tuổi tiêm chủng mà chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi.
Thời gian tới, trung tâm tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca bệnh tại cơ sở y tế và tại cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng bệnh; tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm chủng, đặc biệt là tiêm chủng các vaccine có thành phần ho gà. Chủ động rà soát, triển khai tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine trong tiêm chủng mở rộng giai đoạn trước.
Đồng thời, trung tâm tiếp tục hỗ trợ các địa phương khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch hiện có trên địa bàn, khống chế không để dịch lan rộng; chuẩn bị các nguồn lực, trang thiết bị, máy móc, hóa chất sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh lớn xảy ra.
Cũng theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận số lượng hơn 450 trường hợp phải điều trị dự phòng dại do chó, mèo, dơi và các con vật khác cắn, tăng gấp 200% so với năm 2023.
Từ đầu tháng 3 đến nay, địa phương vẫn tiếp tục gia tăng số lượng người phải tiêm phòng dại. Trong các trường hợp phơi nhiễm có 198 trường hợp phơi nhiễm ở mức độ vết thương sâu, chảy nhiều máu và bị chó, mèo cắn ở các vùng có nhiều dây thần kinh như tứ chi, mặt, ngực.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào từ động vật như: chó, mèo sang người, có nguy cơ tử vong cao. |
Đến nay, tỉnh Ninh Bình chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh dại; chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát và phòng, chống bệnh dại; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Đồng thời, cung ứng đầy đủ vaccine cho người dân có nhu cầu; hỗ trợ miễn, giảm kinh phí tiêm vaccine và huyết thanh phòng dại cho các đối tượng chính sách như: người có công với cách mạng, người nghèo, người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi.
Người dân cần tiêm phòng vaccine dại càng sớm càng tốt. |
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nắm bắt tình hình phơi nhiễm bệnh dại trên người và tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo, qua đó giúp công tác phòng, chống bệnh dại được chủ động và hiệu quả hơn.