Quảng Ngãi hoàn tất di dời đàn khỉ quý hiếm đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

NDO - Ngày 31/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, được sự hỗ trợ của các chuyên gia linh trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn tất việc di dời đàn khỉ quý hiếm cư trú ở đảo Hòn Trà, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai).
0:00 / 0:00
0:00
Đàn khỉ vàng quý hiếm trên đảo Hòn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã được di dời đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Đàn khỉ vàng quý hiếm trên đảo Hòn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã được di dời đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.

Cụ thể, sau khi tham vấn các bên có liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch di dời đàn khỉ vàng (Macaca Mulatta), thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIB), ở đảo Hòn Trà đến vườn Quốc gia Kon Ka Kinh; tổ chức tập huấn, triển khai kế hoạch bẫy, bắt; thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ di dời đàn khỉ.

Qua tiến hành bẫy lồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã bắt được 8 cá thể khỉ đều khỏe mạnh. Sau khi được di dời, thả về rừng tự nhiên Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, đàn khỉ đã hòa nhập với môi trường sống, phù hợp với tập tính loài.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, quá trình thực hiện sử dụng bẫy lồng phù hợp với điều kiện thực tế tại đảo Hòn Trà nên việc bẫy bắt diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm mà không làm ảnh hưởng đến người dân và đàn khỉ.

Đảo Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5ha nằm tách biệt giữa cửa sông Trà Bồng đổ ra biển Sa Cần, cách khu dân cư khoảng 200m. Hiện trạng trên đất là rừng trồng (bạch đàn và keo lai) xen lẫn với các tảng đá được bao phủ bởi dây leo, cây bụi.

Qua điều tra của cơ quan chức năng, đàn khỉ sống trên đảo Hòn Trà gồm 8 cá thể. Hằng ngày, đàn khỉ tự săn bắt, kiếm ăn các loại tôm, cua, cá, mực hay các loại thức ăn thừa của người đánh cá vứt lại, ăn các loại trái cây quá hạn do cụ bà Nguyễn Thị Chất (người dân địa phương) thu gom ở các chợ lân cận mang về.

Theo quy luật tự nhiên, đàn khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số lượng, trong khi đảo Hòn Trà có diện tích tự nhiên nhỏ, nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm và cụ bà Nguyễn Thị Chất thì già, yếu (hiện tại trên 80 tuổi) nên nguy cơ xung đột “thức ăn” giữa khỉ và con người có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, đàn khỉ luôn tiềm ẩn mối nguy cơ bị săn bắn, bẫy, bắt trái phép.

Do vậy, việc di dời đàn khỉ thả về tự nhiên là hết sức cần thiết, góp phần hạn chế nguy cơ xung đột giữa đàn khỉ và người dân sống quanh đảo; giảm nguy cơ giao phối cận huyết làm mất nguồn gene quý; đảm bảo thực hiện đúng Công ước CITES của Việt Nam.