Quảng Ngãi: Hàng loạt cán bộ kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc

NDO - Ngày 31/8, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, trước áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chế độ chính sách còn nhiều bất cập nên đã có hàng loạt cán bộ kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc, chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Trước áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thu nhập thấp khiến nhiều kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở Quảng Ngãi xin nghỉ việc.
Trước áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thu nhập thấp khiến nhiều kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở Quảng Ngãi xin nghỉ việc.

Cụ thể, từ tháng 1/2020 đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh có 48 công chức, viên chức kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc, chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó, kiểm lâm là 12 người (công chức 5 người xin nghỉ hưu trước tuổi, viên chức 1 người và 6 hợp đồng lao động), Ban Quản lý rừng phòng hộ là 36 người (viên chức là 13 người, trong đó, 7 người xin nghỉ hưu trước tuổi, 6 người xin chuyển công tác) và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là 23 người.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, tình trạng công chức, viên chức kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xin nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc, chuyển công tác hầu hết được phân công nhiệm vụ địa bàn cấp xã. Điều kiện công tác vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, môi trường làm việc phức tạp, thiếu thốn về đời sống tinh thần; nơi ăn, ở, sinh hoạt chưa ổn định do chưa có đủ Trạm địa bàn cấp xã; địa bàn quản lý rộng lớn, đi lại khó khăn.

Nhu cầu sử dụng gỗ và đất sản xuất người dân ngày càng cao, các đối tượng vi phạm lâm luật ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng chống đối quyết liệt với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Do vậy, cán bộ kiểm lâm và lực lượng chuyên trách luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm về tinh thần, tính mạng của mình và người thân gia đình.

Biên chế kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mỏng so với nhu cầu thực tế, trong khi quyền hạn có hạn, còn trách nhiệm thì vô hạn nên chịu nhiều áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Chế độ chính sách đối với viên chức, nhất là lực lượng bảo vệ rừng thấp, thời gian hợp đồng ngắn (1 năm); tiền lương rất thấp (bình quân 4 triệu đồng/tháng), trong khi trách nhiệm rất lớn, khối lượng công việc nhiều (bình quân mỗi người phải đảm nhiệm trên 1.000ha rừng); mùa khô trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết. Vì vậy, khó hoàn thành nhiệm vụ được giao, dễ bị kiểm điểm, nên đã xảy ra tình trạng bỏ việc, chưa thu hút được người có năng lực và trình độ chuyên môn. Riêng hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP có quy định mức lương quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống và gia đình, nên nhiều người nghỉ việc, tìm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các ngành, các cấp chính quyền, nhất là cấp xã các huyện miền núi còn hạn chế. Các công trình thủy điện mở các tuyến đường đi sâu vào rừng tự nhiên ngày càng nhiều, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề và các chế độ ưu đãi khác đối với viên chức và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các Trạm Quản lý bảo vệ rừng, Trạm Kiểm lâm địa bàn cấp xã nhằm tạo điều kiện để kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có nơi làm việc, ăn ở, sinh hoạt ổn định và an tâm giữ rừng.