Hàng loạt cán bộ Kiểm lâm ở Đắk Lắk xin nghỉ việc, xin xuống chức, nghỉ hưu sớm

NDO -

Ngày 16/6, tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin chi tiết đến các cơ quan báo chí về công tác quản lý, bảo vệ rừng, một trong những vấn đề nóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian gần đây.

Ngoài áp lực công việc, còn nguyên nhân thu nhập thấp và công việc đối mặt với nguy hiểm tới tính mạng khiến nhiều cán bộ Kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác khác.
Ngoài áp lực công việc, còn nguyên nhân thu nhập thấp và công việc đối mặt với nguy hiểm tới tính mạng khiến nhiều cán bộ Kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác khác.

Nội dung đáng chú ý là những năm gần đây, đã có hàng loạt công chức Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc, xin chuyển công tác, xin nghỉ hưu trước tuổi và xin từ chức, xuống chức… khiến lực lượng Kiểm lâm ở Đắk Lắk thiếu nghiêm trọng.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 5 công chức Kiểm lâm xin nghỉ việc; 13 công chức Kiểm lâm xin chuyển công tác; 44 công chức Kiểm lâm xin nghỉ hưu trước tuổi và 3 công chức xin từ chức, xuống chức. Ngoài ra, có 32 công chức Kiểm lâm bị xử lý kỷ luật, 26 tập thể và 77 cá nhân bị phê bình.

Hàng loạt cán bộ Kiểm lâm ở Đắk Lắk xin nghỉ việc, xin xuống chức, nghỉ hưu sớm -0
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông chi tiết đến các cơ quan báo chí về công tác quản lý, bảo vệ rừng, một trong những vấn đề nóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào ngày 16/6. 

Đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 216 công chức, trong đó 30% công chức Kiểm lâm trên 50 tuổi, thiếu 111 công chức Kiểm lâm, tương đương mỗi Hạt Kiểm lâm huyện thiếu từ 8 đến 10 công chức so với nhu cầu thực tế quy định. Do đó, có những trường hợp một Kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5 đến 6 xã với diện tích hàng chục nghìn ha rừng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt công chức Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xin nghỉ việc, xin chuyển công tác, xin nghỉ hưu trước tuổi và xin từ chức, xuống chức là do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, địa bàn quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp; điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn; thu nhập thấp, trách nhiệm cao trong khi rừng vẫn tiếp tục bị suy giảm… Từ đó dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên ra trường không muốn vào làm việc. Số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp tại Trường Đại học Tây nguyên rất ít, chỉ dưới 10 học viên một chuyên ngành.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 501.206 ha đất có rừng, trong đó có 426.046 ha rừng tự nhiên, 75.160 ha rừng trồng; 232.423 ha đất chưa có rừng…

Đến nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được giao cho 2 vườn quốc gia; 4 ban quản lý rừng đặc dụng; 3 ban quản lý rừng phòng hộ; 13 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 2 thành viên lâm nghiệp; 64 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; 5 đơn vị lực lượng vũ trang; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức khác quản lý với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 626.060,6ha, trong đó diện tích có rừng là 459.457,3ha, đất không có rừng là 166.603,3ha.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao cho chủ rừng, hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức khác quản lý  là 107.568,6ha, trong đó diện tích có rừng là 50.316,4ha, đất không có rừng là 57.252,2ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, các chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và các đơn vị lực lượng vũ trang đang quản lý, bảo vệ rừng tương đối hiệu quả, diện tích rừng ít có biến động, suy giảm. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách chặt chẽ, kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước cơ bản bảo đảm, lương và chế độ cho người lao động tương đối ổn định.

Còn đối với các nhóm chủ rừng còn lại, công tác quản lý, bảo vệ rừng triển khai chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng. Do bị hạn chế trong xử lý vi phạm lâm luật, khi phát hiện sai phạm, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, ngăn chặn, lập biên bản và báo cáo với cơ quan chức năng. Quyền hạn còn hạn chế, lực lượng mỏng, thu nhập chưa ổn định, không đáp ứng được cuộc sống nên chưa thật sự tạo lòng tin, trách nhiệm của người lao động đối với nhiệm vụ khó khăn phức tạp, có khi đối mặt với nguy hiểm tới tính mạng của người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, các lực lượng như Công an, Kiểm lâm hay lực lượng của xã cũng chưa đủ lực lượng để thường xuyên hỗ trợ chủ rừng trong xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đất đai…

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương sớm xây dựng và ban hành “Cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp để bố trí sản xuất cho người dân, góp phần bảo đảm đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030. Đồng thời, sớm có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nhân lực cho ngành lâm nghiệp.