Quảng Ngãi đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá

NDO - Năm 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,5-8,5%. Để hoàn thành mục tiêu này, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, tỉnh cần phải nỗ lực, đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt trong hành động; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường; đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang kiểm tra tiến độ của dự án trọng điểm Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang kiểm tra tiến độ của dự án trọng điểm Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh.

Nhận diện hạn chế, tồn tại

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, năm 2024 mặc dù kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, song tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều giữa các khu vực

Đơn cử, giá trị tăng thêm trong lĩnh vực dịch vụ trong GRDP đạt 17.721 tỷ đồng, tăng 5,34% (kế hoạch tăng 8,5%). Điều này, cho thấy lĩnh vực dịch vụ chậm phát triển, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có, thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, sức cạnh tranh thấp.

Giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản tăng 3,8% nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là nông hộ, sản xuất thô, giá trị gia tăng thấp, thiếu cạnh tranh; giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường; chưa hình thành được liên kết chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để từng bước khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”.

Quảng Ngãi đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá ảnh 1

Vướng mặt bằng khiến tiến độ một số dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, mặc dù tỉnh đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2024-2025, thành lập 3 tổ công tác để đôn đốc giải ngân nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và hụt thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân của tỉnh.

Dự kiến, đến ngày 31/1/2025 giải ngân đạt 57% so với kế hoạch vốn được giao; nếu không tính phần hụt thu từ nguồn sử dụng đất khoảng 1.100 tỷ đồng thì giải ngân đạt gần 70% so với kế hoạch vốn giao.

Cùng với những hạn chế nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại như việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp không ít khó khăn, lúng túng; đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ dứt điểm, dẫn đến hạn chế việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; việc triển khai các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, đơn vị sử dụng; hạ tầng chuyển đổi số giữa khu vực thành thị và nông thôn còn khoảng cách, đặc biệt là vùng cao nên điều kiện để người dân có thể tiếp cận công nghệ còn khiêm tốn.

Quyết liệt hành động, bứt phá về đích

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Đó là việc Trung ương giao dự toán thu năm 2025 cho tỉnh là 31.950 tỷ đồng, tăng 25,7% so với dự toán giao năm 2024 là mục tiêu phấn đấu nhưng áp lực rất lớn, trong khi giá dầu trên thị trường thế giới đang giảm so với dự toán giá dầu Trung ương giao (80 USD/thùng)

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh trầm lắng, các dự án bất động sản do doanh nghiệp làm chủ đầu tư cũng như các dự án do tỉnh làm chủ đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế nên khả năng trong năm 2025 triển khai chậm, thu tiền sử dụng đất dự kiến đạt thấp; dự báo nguồn thu của một số doanh nghiệp có khả năng đạt thấp, hạ tầng thu hút đầu tư còn hạn chế sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và thu hút đầu tư phát triển của tỉnh.

“Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 là hết sức nặng nề, thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục nỗ lực, đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt trong hành động; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường; đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

Quảng Ngãi đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá ảnh 2
Năm 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,5-8,5%.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho biết, tỉnh đang khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Ban hành chương trình công tác trọng tâm năm 2025 kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn và đúng thẩm quyền; xử lý nghiêm khắc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì nhưng không hoàn thành, hoàn thành trễ hạn, không bảo đảm chất lượng và không theo quy định. Tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm 2026-2030; chỉ đạo, điều hành công tác thu ngân sách nhà nước. Trong đó, xây dựng giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu tiền sử dụng đất trong năm 2025.

Tập trung rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bảo đảm việc phân bổ kế hoạch đầu tư công hợp lý, khoa học, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn của địa phương và đúng theo quy định của pháp luật.

Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chủ động, quyết liệt thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để bàn giao mặt bằng thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra, nhất là các công trình trọng điểm và các dự án chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 21. Trong đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành điều chỉnh bảng giá đất trong tháng 12/2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2025; phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công (bao gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia) gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Quảng Ngãi đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá ảnh 3

Quảng Ngãi ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Lý Sơn.

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tiến độ đặt ra; hoàn thành phê duyệt 5 đồ án Quy hoạch phân khu còn lại phù hợp với Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất.

Phối hợp Bộ Công Thương hoàn thành Đề án xây dựng trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển-đảo, trong đó, ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Lý Sơn.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2024-2025; tích cực hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh.

Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai và tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư; xử lý các dự án vi phạm tiến độ đầu tư theo quy định của pháp luật nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, chống lãng phí đất đai.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển đồng bộ, hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; phấn đấu hoàn thành 1.000 căn nhà ở xã hội vào cuối năm 2025; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, đề án 06, nâng cao thứ hạng của các chỉ số; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội.