Quảng Ngãi công bố 9 tình huống khẩn cấp sạt lở núi, bờ sông và hư hỏng công trình

NDO - Sáng 6/12, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này đã ban hành Quyết định công bố 9 tình huống khẩn cấp về sạt lở núi, bờ sông, hư hỏng công trình do mưa, lũ từ ngày 13-16/11 vừa qua gây ra trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao, xã Sơn Bao, huyện miền núi Sơn Hà.
Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao, xã Sơn Bao, huyện miền núi Sơn Hà.

Theo đó, tại huyện miền núi Sơn Hà có 4 tình huống khẩn cấp, gồm: điểm sạt lở tại núi Van Cà Vãi, thị trấn Di Lăng; hư hỏng cầu Nước Lố, xã Sơn Bao; sạt lở, hư hỏng tuyến ĐH 77 đi hướng hồ Nước Trong (chiều dài khoảng 75m), xã Sơn Bao; sạt lở, hư hỏng tuyến đường Ủy ban nhân dân xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao, xã Sơn Bao.

Cùng với huyện miền núi Sơn Hà, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi còn công bố 5 tình huống khẩn cấp tại một số địa phương, gồm: sạt lở bờ sông Liên Chiểu, đoạn qua xã Phổ Thuận (thị xã Đức Phổ); sạt lở bờ sông Trà Bồng đoạn qua các xã: Bình Chương, Bình Minh, Bình Dương (huyện Bình Sơn); sạt lở bờ sông Liên, đoạn qua xã Ba Thành (huyện miền núi Ba Tơ); sạt lở khu dân cư Đăk Dép, xã Sơn Màu (huyện miền núi Sơn Tây) và sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh).

Quảng Ngãi công bố 9 tình huống khẩn cấp sạt lở núi, bờ sông và hư hỏng công trình ảnh 2
Tuyến ĐH 77 đi hướng hồ Nước Trong, xã Sơn Bao, huyện miền núi Sơn Hà bị sạt lở với chiều dài khoảng 75m.

Trước các tình huống thiên tai xảy ra tại các khu vực nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tỉnh yêu cầu Chủ tịch, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện: Sơn Hà, Sơn Tây, Bình Sơn, Ba Tơ, Sơn Tịnh và thị xã Đức Phổ khẩn trương tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó.

Cụ thể, theo dõi thường xuyên diễn biến mưa, lũ; kịp thời tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, chia cắt, cô lập đến nơi an toàn; bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “bốn tại chỗ”; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các khu vực bị sạt lở, các tuyến đường, công trình bị hư hỏng bảo đảm an toàn.

Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện và bố trí kinh phí tổ chức xử lý tạm thời các điểm sạt lở, hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; đảm bảo lưu thông, nhất là các tình huống sơ cấp cứu và cứu hộ, cứu nạn.