Ngày 20/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là dấu mốc có tính quyết định đối với mô hình tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, riêng có của Việt Nam, mô hình đã được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, các quốc gia đánh giá cao về những đóng góp quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn) với tổng dư nợ là 190.288 triệu đồng, trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình giải ngân 26 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 13.047.159 triệu đồng.
Tổng dư nợ đến 31/8/2022 đạt 4.233.174 triệu đồng với 22 chương trình tín dụng và 80.085 khách hàng đang còn dư nợ, tăng 4.042.886 triệu đồng và gấp 21,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Bình quân mỗi năm tăng 202,1 tỷ đồng, dư nợ bình quân gần 53 triệu đồng/khách hàng.
20 năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay với hơn 603 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ hơn 198,7 nghìn lượt hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho gần 62 nghìn lượt lao động.
Đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Bình, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm và trong từng giai đoạn, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2021 còn 6,52%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,38%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận đề nghị, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; duy trì và phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý đặc thù để triển khai có hiệu quả hơn nữa tín dụng ưu đãi.
Quảng Bình cần quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn vay cho người nghèo các đối tượng chính sách; tổ chức chính trị-xã hội các cấp thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi này.
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen cho 10 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2002-2022.