Phát huy giá trị nguồn tín dụng ưu đãi ở Nghệ An

“Để nguồn tín dụng ưu đãi tiếp cận với đồng bào nghèo và các đối tượng chính sách vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng phải "ba cùng" với dân. Những khó khăn như bị mưa lũ cắt đường phải mang vác "đồ nghề" lội bộ, nhịn đói, khát trong đêm tối giữa rừng đối với cán bộ tín dụng là chuyện thường tình...”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu tặng quà động viên sinh viên ở xóm 12, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu tặng quà động viên sinh viên ở xóm 12, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu.

Đó là những chia sẻ về kỷ niệm khó quên của không ít cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang hoạt động ở vùng cao Nghệ An trong 20 năm qua làm nhiệm vụ “Mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ”.

"Mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ..."

Vẫn nhớ mãi hình ảnh cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, một trong ba huyện thuộc diện 30a của Nghệ An trong những ngày đầu gọi là “Ngân hàng người nghèo”.

Khi còn mờ sương, ở thị trấn Mường Xén trên đỉnh Pu Lon cao hơn 1.500m vẫn ủ trong mây, anh Hoàng Văn Thắng, lúc đó là tổ trưởng Tổ tín dụng, nay là Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tương Dương, thúc giục mọi người kiểm tra lại đồ đạc và ăn thật no để xuất phát sớm.

Anh Thắng nói: "Ở Kỳ Sơn, mùa khô không sợ lầy lội, nhưng vào mùa mưa, hầu hết các tuyến đường từ huyện lên các xã đều sạt lở, nhiều đoạn xe máy phải dắt, đẩy. Lên xã Keng Đu, cách trung tâm huyện khoảng 50km, đoạn từ xã Huồi Tụ lên xã Đoọc Mạy phải leo dốc dài gần 4km, đề phòng xe "pan" cho nên phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và ra phương án nhờ dân tiếp ứng kéo đẩy xe, khiêng máy nổ...

Anh Thắng nói, tổ tín dụng đầy đủ phải ba người, trong đó có một bảo vệ, nhưng do thiếu người cho nên chỉ bố trí được hai người. Ngoài tư trang còn có vật dụng không thể thiếu, đó là "đồ nghề" gồm hai rương tôn: rương hai khóa đựng tiền, rương một khóa đựng chứng từ kế toán, một máy phát điện nhỏ, máy tính, máy soi tiền và máy đếm tiền...".

Giữa những năm 2000, ở ba huyện 30a rẻo cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, số xã có đường "ngon" cho ô-tô đến được điểm giao dịch chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến điểm giao dịch xã Keng Đu này, hay Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, huyện Tương Dương và các vùng bản xã Nậm Nhoóng, Tri Lễ... huyện Quế Phong không chỉ tính giờ, tính buổi mà thậm chí mùa mưa phải tính ngày đường. Đến điểm giao dịch đã khó, từ điểm giao dịch đến nhiều vùng bản không có đường cho xe máy, cán bộ đến đó tuyên truyền, kiểm tra, thu nợ phải lội bộ hằng ngày đường.

Để vốn ưu đãi của Chính phủ tiếp cận các đối tượng thụ hưởng, cán bộ ngân hàng phải "ba cùng" với dân, cùng tham gia xây dựng và sinh hoạt cùng tổ tiết kiệm và vay vốn với từng cơ sở bản. Các sự cố bị mưa lũ cắt đường phải mang vác "đồ nghề" đi bộ, nhịn đói, nhịn khát trong đêm tối giữa rừng đối với cán bộ tín dụng như chúng tôi là chuyện thường tình. Địa hình phức tạp, trình độ dân trí chưa phát triển, tỷ lệ nghèo đói cao cho nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào và ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành kế hoạch, anh Hoàng Văn Thắng nhớ lại thời kỳ đầu.

“Bà đỡ” của người nghèo

Bằng phương thức ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho bốn tổ chức chính trị, xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.

Với mô hình đặc thù, tinh gọn, phương thức hoạt động sáng tạo, kết nối với mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận 100% thôn, bản và tổ chức giao dịch tại xã, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực, tổ chức thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng đã tạo điều kiện Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người thụ hưởng kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân và giảm thiểu chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Được nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp sức, nhiều mô hình kinh tế tổ chức sản xuất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung thu hút lao động địa phương vào làm việc được triển khai và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể như: Mô hình trồng cây chanh leo tại các xã thuộc huyện nghèo Quế Phong, Tương Dương; mô hình chăn nuôi đại gia súc sinh sản, đại gia súc lấy thịt, chăn nuôi gà đen bản địa tại các huyện 30a: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; các dự án trồng rừng sản xuất phát triển mạnh tại các huyện: Quỳ Châu, Tân Kỳ, Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu; hay các mô hình kinh tế trang trại trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế lớn tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn; phát triển nghề đánh bắt, chế biến thủy, hải sản tại các huyện ven biển Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai; giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống tại các địa phương ở Nam Đàn, Tương Dương, Con Cuông; các dự án tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người khuyết tật tại thành phố Vinh...

Phát huy giá trị nguồn tín dụng ưu đãi ở Nghệ An ảnh 1

Giao dịch tín dụng ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu.

Gia đình ông Lỳ Nọ Pó, dân tộc H'Mông, bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong) trước đây nghèo khó. Năm 2004, được vay năm triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông mua hai con bò giống nuôi. Đến hạn, gia đình ông đã trả nợ tiền vay trên, đồng thời mạnh dạn vay thêm 25 triệu đồng mua tiếp năm con bò giống. Cùng số tiền tích trữ của gia đình, ông mua bốn con ngựa và khai hoang phát triển vườn rừng. Hiện tại, gia đình có đàn gia súc hơn 80 con cùng bốn héc-ta vườn rừng trồng cỏ chăn nuôi, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Nay gia đình đã có của ăn của để, con được đi học con chữ...

Ngoài gia đình ông Pó, anh Lỳ Bá Tểnh cùng bản Pà Khổm cũng là một trong những tấm gương điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thoát nghèo bền vững.

Hộ ông Lương Văn Nam, dân tộc Thái bản Xốp Cốc, xã vùng sâu Yên Thắng, huyện Tương Dương trước đây là hộ nghèo, nhờ được vay 50 triệu đồng từ tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế đã thoát nghèo. Hiện ông tiếp tục vay 100 triệu đồng để nuôi dê nhốt, nuôi trâu vỗ béo và nuôi gia cầm… cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.

Chàng trai Lê Văn Hưng (36 tuổi, dân tộc Thổ, ở vùng khó khăn xóm Màn Thịnh, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn) sau khi bươn chải bốn năm hết vào nam ra bắc nhưng trở về với hai bàn tay trắng. Năm 2016, về quê được bình xét từ vốn ưu đãi qua ủy thác từ tổ chức Đoàn Thanh niên theo chương trình vốn vay giải quyết việc làm, Hưng được vay 50 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm học được trong những năm bươn chải trong miền nam, Hưng đã mạnh dạn đầu tư xây bể nuôi lươn không bùn. Đến năm 2020, Hưng trả hết vốn vay, cộng với lợi nhuận từ nuôi lươn, Hưng được vay tiếp 300 triệu từ nguồn ủy thác Liên minh Hợp tác xã, phát triển cung cấp lươn giống và xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê. Hiện trong chuồng, đàn dê lúc cao điểm lên đến 400 con, cứ ba tháng xuất một lứa. Từ chăn nuôi, cung ứng hàng vạn con lươn và hàng nghìn dê thương phẩm cho thị trường, mỗi năm, Hưng thu lãi ròng 400-500 triệu đồng.

Hiện, Hưng còn tiếp tục đầu tư xây dựng nhà hàng đặc sản dê để tăng giá trị sản phẩm. Không chỉ mở hướng làm giàu cho gia đình mình, hiện trong xã đã có 10 hộ người dân tộc Thổ phát triển theo mô hình của anh Hưng đã thoát nghèo.

Phát huy giá trị nguồn tín dụng ưu đãi ở Nghệ An ảnh 2

Người dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn xây dựng cơ sở chế biến chè từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn phát triển kinh tế hộ.

Không chỉ riêng miền núi cao, nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi làm bà đỡ, nhiều hộ nghèo ở vùng đồng bằng đã vươn lên thoát nghèo. Tại huyện Diễn Châu, nhờ vay tín dụng ưu đãi, nhiều xã có con em được đi làm việc ở nước ngoài đã có mức thu nhập ổn định và thoát nghèo như: Xã Diễn Xuân, Diễn Tháp, Diễn Hồng, Diễn Liên…

Nhiều mô hình kinh tế được triển khai và mang lại hiệu quả cao, điển hình như mô hình ông Võ Trọng Phong, xã Diễn Thọ, vay vốn chương trình hộ cận nghèo xây dựng xưởng may tạo việc làm và thu nhập ổn định cho sáu lao động. Bà Ngô Thị Loan (xã Diễn Nguyên) vay vốn hộ thoát nghèo xây dựng xưởng mộc tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho bốn lao động; ông Chu Văn Thọ (xã Diễn Liên) vay vốn hộ nghèo xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp tạo việc làm và thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/năm, đến nay đã thoát nghèo....

Nếu không có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Nguyễn Thế Tuyên, xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn (Đô Lương) không thể nuôi các con học hết đại học.

Năm 2007, gia đình ông Tuyên thuộc diện hộ nghèo nuôi bốn con đang tuổi ăn học. Quá khó khăn nên hai con đầu của ông tốt nghiệp THPT phải đi làm thuê. Đến năm 2008, con thứ ba thi đậu Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Được bình xét gia đình mạnh dạn vay vốn Chương trình học sinh, sinh viên để trang trải chi phí học tập cho con thứ ba, rồi đến con thứ 4 với tổng số tiền 76,6 triệu đồng. Ngoài vay vốn cho con ăn học, gia đình còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản...

Hộ nghèo Hoàng Văn Thụ (xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn, Diễn Châu) có năm con liên tiếp thi đậu đại học. Nhờ có nguồn vốn tín dụng cho vay chương trình học sinh, sinh viên, các con ông đã học xong đại học, ra trường có việc làm ổn định, hai con học giỏi có việc làm ở nước ngoài thu nhập cao. Số tiền vay 125,5 triệu đồng, hiện tại gia đình ông Thụ đã trả hết nợ vay, các con còn hỗ trợ hơn hai tỷ đồng làm nhà mới khang trang...

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An chính thức hoạt động từ tháng 4/2003, đến nay đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng, doanh số cho vay 20 năm qua đạt 32.143 tỷ đồng với gần 1.272 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 10.521 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%.

Tín dụng chính sách thực sự góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,8%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,59% (theo tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025).

Thông qua triển khai các chương trình tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Vốn tín dụng chính sách còn góp phần gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Ông Lê Hồng Vinh

(Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An)

Qua 20 năm thực hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp cho 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Nghệ An được vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống; đã có 267.795 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 48.698 lao động từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm; 10.247 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 100.115 hộ kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; 258.861 hộ ở vùng nông thôn được vay vốn xây dựng hơn 259.000 công trình nước sạch và 258.000 công trình vệ sinh; 37.232 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, làm chòi tránh lũ, xóa bỏ tình trạng nhà tạm bợ, dột nát; hơn 283.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 18.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…