Theo đó, nghệ thuật trình diễn dân gian hát kiều ở huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn và nghệ thuật trình diễn dân gian hát ru Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trình diễn dân gian hát kiều hay còn gọi là hát kiều là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng tả ngạn sông Gianh.
Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian được hình thành như ngâm kiều, vịnh kiều, bói kiều, lẩy kiều nhưng trong đó, nghệ thuật hát kiều thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn. Hát kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò trong không gian được sân khấu hóa…
Dù trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử, nhưng nghệ thuật hát kiều vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân các địa phương thuộc 2 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn.
Cùng với hát kiều, hát ru Cảnh Dương cũng là loại hình văn nghệ dân gian độc đáo ở làng biển Cảnh Dương mà hầu như chỉ đàn ông lĩnh xướng. Hát ru ở Cảnh Dương xuất phát từ thực tế lao động sản xuất của ngư dân, là những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương.
“Ở Cảnh Dương, người dân không bắt đầu điệu hát ru bằng câu “à ơi” như nhiều địa phương khác mà mở đầu hoặc kết thúc bằng câu “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông...”. Hát ru ở đây không chỉ là lời mẹ ru con, bà ru cháu mà còn là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em... và như ru chính mình để vơi đi mệt nhọc khi đánh bắt trên biển” - Nghệ nhân Ưu tú Lê Thành Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Cảnh Dương chia sẻ.
Hiện nay, Cảnh Dương đang được xây dựng thành làng văn hóa-du lịch cộng đồng với nhiều nét văn hóa độc đáo. Việc hát ru Cảnh Dương được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là cơ hội để địa phương có thêm động lực, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa phát triển thành sản phẩm du lịch.