Theo đó, Hoàng đàn giả là một trong 33 loài thông bản địa của Việt Nam, sống trong rừng hỗn loại thường xanh hoặc phân bố thành đám nhỏ trên núi đá vôi ở độ cao hàng trăm mét; nằm trong danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 2011.
Ở Việt Nam, diện tích và chất lượng sinh cảnh của loài bị suy giảm liên tục nên được đánh giá ở mức nguy cấp.
Do đó, Ủy ban nhân dân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch chỉ đạo xã Thượng Trạch tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và bảo tồn quần thể Hoàng đàn giả; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng và các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ, tránh nguy cơ xâm hại đến quần thể thực vật này.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin, phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Thượng Trạch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên nói chung và bảo vệ quần thể Hoàng đàn giả nói riêng.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị như Bộ đội Biên phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp, tăng cường kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc tại các khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao, trong đó có khu vực quần thể Hoàng đàn giả; đồng thời có phương án bảo tồn quần thể thực vật quý hiếm này ở rừng Phong Nha-Kẻ Bàng.
Được biết, Hoàng đàn giả là một trong những loại gỗ quý ở nước ta không chỉ bởi mùi hương mà còn do các đặc tính nổi bật của thân gỗ, được giới sưu tập gỗ quý gọi là “vương mộc”. Đặc biệt, phần tinh dầu trong thân gỗ cũng mang đến rất nhiều tác dụng cho người dùng.