Rừng bách xanh cổ trên vách đá Phong Nha

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, không chỉ được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ, có giá trị đặc biệt, toàn cầu mà còn là một trong 200 khu vực mang giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học của Trái đất. Nơi đây có những khu rừng nhiệt đới với sự xuất hiện cây bách xanh núi đá - một loài thực vật cổ sơ của Trái đất. Kiểu rừng này được coi là độc nhất vô nhị không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Cây bách xanh cổ thụ to mấy vòng tay người ôm. Ảnh: THÁI LỘC
Cây bách xanh cổ thụ to mấy vòng tay người ôm. Ảnh: THÁI LỘC

Cùng với những người bạn ở Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, chúng tôi may mắn có chuyến khám phá rừng bách xanh 500 năm tuổi, bám rễ trên vách đá karst cổ, ẩn hiện giữa mây trời, ở độ cao gần nghìn mét giữa lòng Phong Nha - Kẻ Bàng huyền bí.

Bắt đầu từ cửa rừng, lối đi là những bức tường karst dựng đứng, cheo leo, những mỏm đá tai mèo sắc lẹm, những thân cây mục trơn trượt… Càng đi vào, độ cao liên tục nâng lên. Sau nhiều giờ đồng hồ bám mình theo các vách đá tai mèo, cuối cùng chúng tôi đã nhìn thấy những “lão mộc” huyền thoại mang tên bách xanh núi đá đầu tiên.

Ở độ cao khoảng 700 m so mực nước biển, trên những đỉnh đá vôi khô cằn là quần thể bách xanh ngút tầm mắt. Thật khó có thể tưởng tượng, trên đỉnh núi chỉ toàn đá lại có thể tồn tại một loài cây khổng lồ và dày đặc đến vậy. Quần thể thực vật cổ sơ của Trái đất này sinh sống trên đỉnh những khối núi đá vôi cao gần nghìn mét, phân bố trên diện tích hơn 5.000 ha. Những cây bách xanh quý hiếm có tuổi đời hơn 500 năm, chiều cao đạt hơn 30 m, đường kính nhiều cây lên đến hai mét, được các nhà khoa học Nga và Việt Nam phát hiện vào năm 2004.

Thật lạ, bách xanh núi đá là loài cây chỉ thích sống trên đỉnh núi một mình, nhưng duy nhất có một loài thực vật được bách xanh cho cư ngụ cùng là phong lan. Các nhà khoa học đã tìm thấy ba loài hoa lan hài quý hiếm, gồm: lan hài xanh, lan hài đốm và lan hài xoắn. Giá trị của các loài lan đặc hữu này rất cao, chúng được xếp trong Sách đỏ thế giới, bởi có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Đặc điểm về vị trí địa lý cũng tạo cho Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một địa điểm quan trọng trong việc bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu. Trong 20 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã phát hiện ở nơi này nhiều loài động thực vật mới. Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi có cộng đồng linh trưởng phong phú bậc nhất Đông Nam Á, có bốn loài được xếp vào diện nguy cấp trên phạm vi toàn cầu, đó là voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc ngũ sắc và vượn đen má trắng. 

Lên đỉnh bách xanh, được chiêm ngưỡng và đắm mình trong thế giới trong trẻo, hoang sơ với muôn vàn điều kỳ thú giữa đại ngàn Phong Nha - Kẻ Bàng, quả là dịp hiếm có trong đời mà không phải ai cũng được may mắn trải qua. Chúng tôi rời khỏi khu rừng huyền thoại với lời dặn của anh bạn kiểm lâm: “Mỗi lần đến đây, đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì, ngoài những dấu chân”.