Với lượng xe hợp đồng nhiều hơn tổng số lượng xe tuyến cố định và taxi, ngày 27/6/2024 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ và giao Chính phủ xây dựng nghị định quản lý riêng loại hình xe hợp đồng.
Quản cách nào?
Việc quản lý xe hợp đồng và xe tuyến cố định đòi hỏi các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp phù hợp, hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới vận hành minh bạch, bình đẳng, chặt chẽ, hiệu quả để người dân dễ tiếp cận, bảo đảm kỷ cương. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải chân chính được kinh doanh trong môi trường thuận lợi và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia giao thông, Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an đã ban hành quy định màu biển kiểm soát riêng đối với xe kinh doanh vận tải (biển vàng), nhưng hiện nay, tình trạng xe tư nhân (biển trắng) hoạt động vận tải “âm thầm mà mạnh mẽ”, chở khách không đúng quy định, tự do kết nối với nhau, tuy nhiên chế tài quản lý khó khăn và đây là điều khiến cơ quan Nhà nước hết sức trăn trở.
Hà Nội đã triển khai chuyên đề chống “xe dù, bến cóc”, nhưng chỉ trong phạm vi xe hợp đồng (biển vàng), không kiểm soát được xe biển trắng. Số lượng xe tư nhân rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều, rất khó quản lý.
Số lượng xe tư nhân rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều, rất khó quản lý. |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cần được quy định rõ ràng trong luật, nêu rõ trách nhiệm của bộ ngành liên quan, chính sách sau luật phải bảo đảm công bằng.
Sau “đại dịch” Covid-19, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra hoạt động “xe dù, bến cóc”, kết hợp kiểm tra thực tế và kiểm tra trên camera để xác minh vi phạm của xe hợp đồng.
Thanh tra giao thông Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện kiểm tra sai phạm qua thiết bị giám sát hành trình. Các tổ liên ngành đã đến tận doanh nghiệp đề nghị cung cấp thiết bị giám sát hành trình và số hiệu phương tiện để giám sát.
Quyết liệt xử lý nạn xe dù, bến cóc
Xu hướng quản lý hiện nay là ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả giám sát trong lĩnh vực vận tải. Việc áp dụng chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ dữ liệu hoạt động vận tải đường bộ và dữ liệu giám sát hành trình xe với Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Thuế… để phối hợp quản lý là yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và tăng tính minh bạch trong nền kinh tế, thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng, để quản lý hiệu quả, phần mềm quản lý hoạt động vận tải sẽ góp phần tạo nền tảng đồng bộ. Mọi hợp đồng vận tải được yêu cầu tải lên hệ thống tập trung, giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng truy cập và kiểm tra thông tin. Các doanh nghiệp vận tải không thể che giấu hoặc làm sai lệch thông tin hợp đồng do dữ liệu được ghi trong thời gian thực và có nhật ký hoạt động.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng. |
“Hợp đồng, hành trình và thông tin hành khách được cập nhật minh bạch, đối chiếu được với hóa đơn xuất ra và lịch trình xe. Phần mềm cũng tích hợp GPS, cho phép giám sát hành trình của từng chuyến xe, bảo đảm tuân thủ đúng lộ trình theo hợp đồng. Hệ thống được sao lưu định kỳ, hạn chế tình trạng mất mát dữ liệu và áp dụng công nghệ blockchain (hoặc mã hóa) để bảo vệ dữ liệu, chống chỉnh sửa trái phép, đồng thời tích hợp công nghệ AI hỗ trợ phân tích, phát hiện các vấn đề bất thường trong hợp đồng,…”, ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý
Trong quá trình nghiên cứu dự thảo nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ để thông qua, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam đã nêu ý kiến đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét bổ sung, điều chỉnh một số điều khoản.
Theo đó, tại khoản 5, Điều 7, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định này đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email). Từ ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải”.
Việc áp dụng phần mềm công nghệ giúp thu thập dữ liệu khách quan, minh bạch, cho phép cơ quan chức năng giám sát và xử lý vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải của doanh nghiệp và lái xe. |
Nghị định 41 sửa đổi nội dung tại khoản 5, Điều 7 Nghị định 10 như sau: “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 3 năm”. Quy định này tiếp tục được giữ nguyên tại dự thảo nghị định mới tại khoản 6, điều 7 về Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Một số chuyên gia giao thông đánh giá, dự thảo nghị định mới giữ nguyên quy định trên là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển chung của xã hội.
Việc áp dụng phần mềm công nghệ giúp thu thập dữ liệu khách quan, minh bạch, cho phép cơ quan chức năng giám sát và xử lý vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải của doanh nghiệp và lái xe kinh doanh và là cơ sở để quản lý các điều kiện kinh doanh vận tải và quản lý về an toàn giao thông, “phạt nguội” khi có vi phạm bảo đảm chính xác, khách quan.
Gia tăng xe dù bến cóc trước dịp Tết Nguyên đán
Điều này có tác dụng rất lớn ngăn chặn vi phạm trong hoạt động vận tải, góp phần xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe kinh doanh vận tải trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông và cạnh tranh không lành mạnh. Việc thu thập thông tin qua phần mềm không chỉ giúp giám sát, mà còn là nguồn dữ liệu quan trọng để phân tích, hoạch định chính sách phát triển vận tải hành khách, nâng cao chất lượng quản lý và tối ưu hóa hệ thống giao thông.
Chuyên gia đề xuất sửa đổi khoản 6, Điều 7 tại dự thảo Nghị định: “Từ ngày 1/1/2025, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo chuyến qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải”. |
Việc loại bỏ quy định “đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải” tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP vô hình trung làm mất đi nguồn dữ liệu quý báu, là căn cứ khách quan về hoạt động vận tải của các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý sẽ rất khó khăn trong việc theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm cũng như hoạch định chính sách vận tải.
Điều này mâu thuẫn với các chính sách của Chính phủ, thể hiện sự thiếu chặt chẽ, tạo “lỗ hổng” trong quản lý vận tải đường bộ, để tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình cạnh tranh không lành mạnh, gian lận để trốn thuế,... ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, còn khiến sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Bộ Giao thông vận tải, lực lượng cảnh sát giao thông, thuế,… sẽ mất tính đồng bộ và chặt chẽ, khiến vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gian lận thuế, tội phạm về an ninh trật tự xã hội, kinh tế có nguy cơ khó bị phát hiện và xử lý kịp thời.
Do đó, ông Nguyễn Công Hùng đề xuất sửa đổi nội dung khoản 6, Điều 7 tại dự thảo Nghị định: “Từ ngày 1/1/2025, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo chuyến qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải”, trước mắt áp dụng với hợp đồng theo từng chuyến (chưa áp dụng cho loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc,…). Sau khi triển khai, sẽ đánh giá tác động để điều chỉnh đối tượng áp dụng sang các loại hình vận tải khác.
Cốt lõi của quản lý vận tải là duy trì, phát triển ứng dụng chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động vận tải đường bộ và dữ liệu giám sát, giám sát hành trình xe với các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, cản trở việc đồng bộ hoá dữ liệu, tạo lỗ hổng cho việc vi phạm. Việc bỏ quy định cung cấp thông tin qua phần mềm tại dự thảo nghị định mới là một “bước lùi” so với xu hướng này, làm giảm tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Do vậy, cần phải ứng dụng công nghệ chuyển đổi số phù hợp với thực tế hiện nay mà các doanh nghiệp đang áp dụng để số hoá quản lý giao thông vận tải để các cơ quan quản lý từng bước hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ với các ban ngành hữu quan, hoàn thành chủ trương “Chính phủ điện tử”.
Việc số hóa trong lĩnh vực vận tải không chỉ đáp ứng xu hướng hiện đại hóa mà còn giúp tối ưu các nguồn lực, tiết kiệm tài nguyên góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao hoạt động hiệu quả doanh nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo đảm an toàn cho xã hội và là bước đệm để hội nhập cùng thế giới.