Theo ông Tạ Chương Chín, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông (BXMĐ, quận Bình Thạnh), Thông tư 12/2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định rõ, các đơn vị kinh doanh vận tải (tuyến cố định, buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, container) phải có bộ phận an toàn giao thông, thực hiện công tác kiểm tra phương tiện trước, trong và sau quá trình vận chuyển.
Cũng tại Thông tư này, các tuyến cố định tại bến sẽ được kiểm tra hai lần trước khi xuất bến. Một lần là doanh nghiệp vận tải tự kiểm tra, một lần do bến xe kiểm tra các điều kiện như giấy tờ xe như đăng kiểm, bảo hiểm, tuyến cố định, giấy phép lái xe, lệnh vận chuyển. “Hiện nay có một số đơn vị kinh doanh vận tải bỏ bến xe, lập “bến cóc” để hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, xe du lịch … không bảo đảm vấn đề an toàn giao thông và môi trường cạnh tranh trong hoạt động vận tải”, ông Tạ Chương Chín khẳng định.
Ngang nhiên vi phạm
Hãng xe Thành Bưởi (tên đầy đủ là Công ty TNHH Thành Bưởi) hiện nay hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, ngoại trừ một tuyến duy nhất cố định tại Bến xe Miền Tây. Theo Thông tư 12/2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), xe hợp đồng sẽ do nhà xe tự kiểm tra, giám sát về vấn đề an toàn giao thông, phương tiện trước, trong và sau quá trình vận chuyển. Ngoài ra tài xế phải đủ điều kiện về sức khỏe cũng như các giấy tờ có liên quan như giấy phép lái xe, bảo hiểm… Trong vụ tai nạn vừa rồi ở Đồng Nai, lái xe gây tai nạn đã bị Công an tước bằng lái ba tháng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức), hiện nay nhiều đơn vị xin vận hành theo xe hợp đồng, xe du lịch nhưng rõ ràng tuyến đó chạy như một tuyến cố định. Đơn cử xe khách Thành Bưởi có tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt với rất nhiều chuyến trong một ngày. Hãng xe Thành Bưởi đã không còn duy trì xe chạy tuyến cố định từ bến đi Đà Lạt. 100% xe của hãng chạy tuyến này gom khách lẻ để chạy xe hợp đồng với thủ tục, quy trình đơn giản hơn nhiều so với xe chạy tuyến cố định.
Một tuyến vào bến xe hoạt động phải được Sở GTVT chấp thuận khai thác tuyến. Đồng thời, đơn vị này sẽ chịu các khoản phí dịch vụ xe ra vào bến, hoa hồng bán vé hoặc thuê quầy vé. Giá vé cũng phải kê khai và bán vé đúng giá này. Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động theo hình thức hợp đồng chỉ cần có phù hiệu là chạy được. Khi chạy, chỉ cần gửi hợp đồng và danh sách hành khách về Sở GTVT, ông Nguyễn Hoàng Huy nêu rõ.
Mỗi ngày xe Thành Bưởi xuất bến hơn 100 chuyến/ngày hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt. Với hành trình lặp đi lặp lại mỗi ngày, liên tục từ nhiều năm qua, không thể gọi đây là xe hợp đồng. Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định rõ: Xe kinh doanh hợp đồng trong một tháng, mỗi xe ô-tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp. Phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm).
Nhưng nhiều năm nay nhà xe Thành Bưởi vẫn chạy một hành trình cố định Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt và ngược lại. Nhà xe tổ chức đón trả khách cố định mỗi ngày tại số 266 Lê Hồng Phong và số 1 đường Vĩnh Viễn (Quận 10); đường Mai Chí Thọ, đường Liên Phường (Thành phố Thủ Đức)… Ở đầu Đà Lạt, bến lậu tại số 6 Lữ Gia là nơi đón trả khách của Thành Bưởi.
Nghị định 10/2020/NĐ-CP cũng quy định: Xe hợp đồng, xe phù hiệu du lịch không được gom khách lẻ. Thế nhưng hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt và ngược lại tất cả được nhà xe Thành Bưởi công khai, ngang nhiên gom khách lẻ thu tiền trực tiếp của hành khách nhiều năm qua. Đây là những vi phạm rất rõ của nhà xe Thành Bưởi theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Thế nhưng, không hiểu sao nhà xe Thành Bưởi vẫn ngang nhiên hoạt động.
Cấp phép kinh doanh quá dễ dàng
Việc tự lập ra các “bến cóc” để đón, trả khách cũng được thực hiện rất dễ dàng. Chỉ cần một khu đất trống và đăng ký địa điểm kinh doanh là có thể đón, trả khách như một bến xe thực thụ. Điển hình như tại khu đất số 97 Mai Chí Thọ (phường An Phú, Thành phố Thủ Đức) đang được nhà xe Thành Bưởi dùng làm điểm đón, trả khách thường xuyên.
Giấy phép kinh doanh của nhà xe Thành Bưởi tại khu đất 97 Mai Chí Thọ do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp. Điều đáng nói, trong nội dung giấy phép này, chỉ vẻn vẹn tiêu đề là giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh, địa chỉ khu đất và thông tin của Thành Bưởi. Dù là giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh nhưng không nói nội dung kinh doanh là gì.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, xe hợp đồng cung cấp dịch vụ cao cấp hơn nhiều so với hành khách đi tuyến cố định. Theo đó, khách đi dạng hợp đồng phải thuê bao trọn gói cả một chuyến xe dù chỉ một người. Đồng thời nơi đi, nơi đến, điểm dừng lấy trả khách phải ghi cụ thể ở hợp đồng bằng văn bản, với phiếu thu tiền cả hợp đồng và có cả danh sách người đi cụ thể.
“Trước khi đi, doanh nghiệp phải báo cáo về Sở GTVT bao gồm cả hợp đồng và danh sách người đi. Những sai phạm biến tướng xe hợp đồng thành xe tuyến cố định nêu trên chỉ có thể tồn tại khi cơ quan chức năng không nắm được và không xử lý vấn đề. Tuy nhiên, các hoạt động sai phạm nêu trên diễn ra ngang nhiên, cơ quan chức năng không thể không biết và không thể lấy lý do “chưa nắm được” để “chưa xử lý” vi phạm”, ông Lê Trung Tính khẳng định.
Ngày 5/10, Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhà xe Thành Bưởi theo yêu cầu của Bộ GTVT. Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với Công ty TNHH Thành Bưởi (địa chỉ số 266-268 Lê Hồng Phong, Phường 4, Quận 5) bắt đầu từ ngày 5 đến 15/10. Kiểm tra hoạt động của công ty này trong thời kỳ từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/10/2023.
Trao đổi ý kiến với Thời Nay chiều 6/10, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh), Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, không chỉ nhà xe Thành Bưởi, thời gian qua loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch đón, trả khách sai quy định (thường gọi là xe “dù”, bến “cóc”) diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trước đó báo Thời Nay cũng đã có một số bài viết phản ảnh về tình trạng này - PV).
Trong đó, hãng xe Thành Bưởi đã lợi dụng các khe hở của pháp luật để lách luật, thực hiện đón trả khách không đúng nơi quy định. Mặc dù biết vi phạm nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì nhà xe cung cấp đầy đủ hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo quy định nên không thể xử phạt. “Thời gian tới, Sở GTVT sẽ rà soát, đề xuất tiếp tục thanh tra từ nay đến cuối năm các đơn vị vận tải có vi phạm về thiết bị giám sát hành trình (vi phạm với tốc độ). Đối với các đơn vị vi phạm nhiều lần ở các tỉnh, thành như dừng đón trả khách trong bến bãi của các địa phương, Sở GTVT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt xử lý”, ông Hải cho hay.