Quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị Việt Nam

NDO - Những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam cần phải được tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đây là ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” chiều 29/11.

Đồng chí đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý đã được thể hiện sâu sắc và rõ nét qua các tham luận và kết quả thảo luận tại Hội thảo.

Nêu một số nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị Việt Nam ảnh 1

Quang cảnh Phiên thảo luận thứ 2 chiều 29/11. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đặc biệt là với thanh thiếu niên.

Cấp ủy và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị đã được đề cập tại Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các cơ quan và đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam

Trước đó, tiếp nối Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” vào buổi sáng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới”.

Cùng dự phiên thảo luận có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế); GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước…

Quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị Việt Nam ảnh 2

GS, TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trình bày tham luận về vấn đề “Xây dựng hệ giá trị quốc gia”, GS, TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, hệ giá trị quốc gia có thể hiểu là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, được cả quốc gia thừa nhận, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải nghiên cứu, xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người trong sự gắn kết với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam. “Đây là điểm mới, bởi lẽ chỉ trên cơ sở xác định các hệ giá trị này chúng ta mới khơi dậy, phát huy, phát triển nguồn lực và nguồn động lực to lớn này cho phát triển đất nước nhanh và bền vững” – GS, TS Trần Văn Phòng nói.

Để từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, GS, TS Trần Văn Phòng đề nghị cần làm rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia. Theo ông, hệ giá trị quốc gia Việt Nam hiện nay sẽ bao gồm các thành tố mà Cương lĩnh 2011 đã nêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó, nhân dân là chủ thể, là vị trí trung tâm trong xã hội xã hội chủ nghĩa, là đối tượng mà Đảng và Nhà nước ta phục vụ.

Ông cho rằng có thể bổ sung thêm thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời nhấn mạnh việc đưa thêm thành tố này vào hệ giá trị quốc gia cũng là tiếp tục kế thừa di sản, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ giá trị quốc gia cần gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Ngoài ra, cần có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; đồng thời chủ động tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hóa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam trong xây dựng hệ giá trị quốc gia.

Quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng các hệ giá trị Việt Nam ảnh 3

GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận về giữ gìn và phát triển hệ giá trị quốc gia Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trong tham luận của mình, GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng hệ giá trị quốc gia Việt Nam trong giai đoạn hiện nay gồm các giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, trong đó giá trị “phồn vinh” đã bao hàm hai giá trị “dân giàu, nước mạnh”, sự phát triển phồn thịnh cho cả người dân và đất nước.

Đề xuất một số phương thức góp phần giữ, củng cố và phát triển hệ giá trị quốc gia Việt Nam, GS, TS Từ Thị Loan nhấn mạnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách thực chất, bài bản về hệ giá trị quốc gia, và nếu có thể thì nên biến thành một cuộc vận động sâu rộng, quy mô, mang tầm chiến lược, dài hơi.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị; đồng thời phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng hệ giá trị quốc gia.

“Cùng với việc xây dựng, củng cố các giá trị bằng biện pháp khuyến khích, giáo dục ý thức tự giác, cần phát huy vai trò của pháp luật, xử phạt nghiêm minh, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên, quản lý xã hội bằng luật pháp” - GS, TS Từ Thị Loan cho hay.

Trong phiên tọa đàm bàn tròn, các đại biểu đã tập trung làm rõ ý nghĩa của việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay, cũng như thảo luận các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.