Xây dựng hệ giá trị chuẩn quốc gia

Thông điệp “Đại hội không có chạy chức” được Bộ Chính trị quán triệt cho kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới là sự khẳng định các giá trị chuẩn quốc gia và thổi bùng ngọn lửa niềm tin kỳ vọng mới của nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng nói chung, chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng của Đảng, Nhà nước ta…

Hội thảo khoa học Đề tài “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng với kiểm soát quyền lực ở nước ta theo tinh thần Đại hội XII của Đảng” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức ngày 19-4 tại Hà Nội.
Hội thảo khoa học Đề tài “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng với kiểm soát quyền lực ở nước ta theo tinh thần Đại hội XII của Đảng” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức ngày 19-4 tại Hà Nội.

Giặc nội xâm nguy hiểm

Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X vào chiều 17-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Bộ Chính trị đã họp bàn một số nội dung liên quan Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, có yêu cầu về chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII, trong đó có một chủ đề là “Đại hội không có chạy chức”. Trên tinh thần đó, Đại hội XI của TP Hồ Chí Minh cũng là “Đại hội không có chạy chức”. Ông cũng yêu cầu cần truyền đạt tinh thần chặn cửa “chạy chức” cho đảng viên, nhân dân biết.

Chiều 27-4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nghiêm túc, quyết tâm, nỗ lực, cố gắng và phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng (Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo) trong triển khai thực hiện thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo, hoàn thành cơ bản đúng tiến độ Kế hoạch xử lý các vụ án, vụ việc trong quý I và tháng 4-2018 của Ban Chỉ đạo. Các cơ quan chức năng phối hợp đều tay, tốt hơn trước, ăn nhịp với nhau, cùng nhìn về một hướng vì công việc chung, góp phần củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, nói đi đôi với làm, thấy sai là làm, mà đã làm là làm đến cùng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không để hạ cánh an toàn...

Thực tế trong công tác cán bộ cũng cho thấy, tham nhũng trong công tác cán bộ là cội nguồn của mọi hành vi tham nhũng và thúc đẩy các hành vi suy thoái, tự diễn biến khác. Khi nạn tham nhũng trong công tác cán bộ, đặc biệt là chạy chức, chạy quyền theo cơ chế “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ…” trở thành thông lệ phổ biến mặc nhiên và tồn tại bên cạnh sự vô cảm trong xã hội, đẻ ra một bộ phận cán bộ lớn về số lượng và thấp kém về cả đạo đức và năng lực, thì hậu quả sẽ đắt đỏ khôn lường. Bởi lẽ, những người sẵn sàng bỏ tiền “chạy chức, chạy quyền” thì về bản chất, khi có chức, có quyền họ sẽ luôn tìm mọi cách bất chấp quy định của Đảng và pháp luật nhà nước, chà đạp mọi tiêu chuẩn đạo đức và giá trị lành mạnh của xã hội văn minh, lạm dụng tối đa quyền lực, nhũng nhiễu, bóp méo chính sách, thu lợi bất chính nhằm “hoàn vốn đầu tư” ban đầu và tiếp tục củng cố lợi ích cá nhân, phe nhóm. Đồng thời, họ tiếp tục tuyển chọn và cho “ra lò” lớp cán bộ mới kiểu như họ, dập theo quy trình, thủ đoạn mà họ đã trải qua, dù với “giá chung chi” cao hơn và năng lực, đạo đức, trách nhiệm công vụ thấp hơn… Sau vài vòng quay sản xuất cán bộ kiểu đó, người tài sẽ bật ra khỏi bộ máy công quyền; Những kẻ bất tài, vô trách nhiệm sẽ lũng đoạn bộ máy; Bất công xã hội và mất đoàn kết nội bộ sẽ gia tăng; Tài nguyên, lợi ích và sức mạnh quốc gia bị bào mòn, vị thế đất nước ngày càng bị tổn hại; Niềm tin vào năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Đảng, Nhà nước ngày càng giảm sút… Về tổng thể, tham nhũng trong công tác cán bộ thật sự trở thành giặc nội xâm lớn nhất và nguy hại nhất trực tiếp và gián tiếp làm sụp đổ sự nghiệp chung của toàn dân tộc và lợi ích quốc gia, thậm chí đe dọa ngay cả sự chính danh của Đảng, sự tồn vong của chế độ.

Xây dựng, củng cố các chuẩn giá trị quốc gia (để có cơ sở xác định cái đúng, cái sai và tạo động lực đoàn kết xã hội) và cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng và sự tha hóa trong công tác cán bộ đã, đang và sẽ tiếp tục là bài toán và nhiệm vụ nóng bỏng nhất, phức tạp và quan trọng nhất mà Đảng và Nhà nước ta phải giải quyết trong thời gian tới.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã vô cùng khó khăn, gian nan vất vả, nhưng cuộc chiến với tham nhũng trong công tác cán bộ, chạy chức chạy quyền còn khó khăn bội phần vì đó là cuộc chiến với kẻ thù bên trong Đảng, chống lại những thủ đoạn tinh vi, sự đan xen lợi ích phức tạp, lại bị một số thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, bóp méo. Để chiến thắng cuộc chiến này, điều quan trọng nhất là giữ vững chuẩn giá trị, tuyệt đối công tâm, trong sáng, khách quan, vì sự nghiệp chung, không vướng bận yếu tố cá nhân, không bị chi phối vì quan hệ, phải bằng luật pháp, bằng quy chế, kiểm tra, đôn đốc ráo riết…, và trước hết những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm.

Những thông điệp mạnh mẽ

Với mục tiêu hướng tới hoàn thiện thể chế là “Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy”, sáu nhóm giải pháp chống chạy chức đã được Đảng đưa ra, trước mắt tập trung vào tạo các chốt chặn để “không thể chạy và không dám chạy” bằng việc hoàn thiện và ban hành hàng loạt quy chế, quy định mang tính hệ thống, chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, giới thiệu, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, phân cấp quản lý cán bộ; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Trên tinh thần đó, có thể nói, thông điệp “Đại hội không có chạy chức” được Bộ Chính trị quán triệt cho kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới là thể hiện tập trung tinh thần dũng cảm cách mạng và bản chất khoa học của Đảng, đáp ứng trúng tâm nguyện và thổi bùng lên ngọn lửa bất diệt, niềm tin sâu sắc và củng cố kỳ vọng mới của toàn thể đảng viên và nhân dân cả nước vào công cuộc phòng, chống tham nhũng nói chung, chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng. Đó cũng là điều kiện để nâng cao năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự đoàn kết, khơi thông và phát huy cao nhất mọi nguồn lực quốc gia, sức mạnh cộng đồng, vì lý tưởng phát triển bền vững một quốc gia Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.