Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước

NDO - Sáng 29/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
0:00 / 0:00
0:00

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến kết nối với điểm cầu TP Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tỉnh lân cận, thu hút sự tham gia của gần 500 đại biểu là các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa đến từ các hiệp hội, hội chuyên ngành văn học nghệ thuật, các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật trong cả nước.

Đến dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo hội thảo.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ngoài ra còn có các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và một số địa phương trên cả nước.

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và thực hành văn hóa trao đổi, nghiên cứu hướng đến xác định để triển khai thực hiện các hệ giá trị và góp phần xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Làm rõ tính cấp thiết phải nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các hệ giá trị Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi, xuyên suốt đó là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, Đảng ta xác định phải tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới và coi đây là một trong những nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung làm rõ tính cấp thiết và yêu cầu đặt ra đối với việc nghiên cứu, xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; phân tích cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam; cũng như mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đồng thời, đi sâu vào các nội dung, đặc điểm, tác động của các yếu tố, bối cảnh quốc tế, quốc gia đến xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới; chỉ rõ vai trò của các chủ thể trong xây dựng các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam; đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác, phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ hy vọng, các ý kiến tại hội thảo sẽ góp phần tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân về các quan điểm của Đảng, qua đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn để giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam, góp phần xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Hệ giá trị con người là nội dung cốt lõi, quyết định chất lượng nguồn nhân lực

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, thay mặt Đoàn chủ tọa, GS, TS Tạ Ngọc Tấn điều hành phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Trình bày tham luận về “Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, PGS, TS Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh hệ giá trị con người là nội dung cấu thành quan trọng nhất, quyết định nhất đối với chất lượng nhân lực và nguồn lực con người trong mọi thời đại. Dù nhận thức và sử dụng có ý thức được vai trò của nó hay không thì đây vẫn là điều tất yếu. Hệ giá trị con người có mặt trong tất cả các cấu phần của nguồn lực con người, của nhân lực: thể lực, trí lực, tâm lực và kỹ lực.

Theo ông, nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết phải là nguồn nhân lực có hàm lượng hệ giá trị con người và các hệ giá trị Việt Nam rất cao. Nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước ảnh 3

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Liên quan đến xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị con người trong giai đoạn hiện nay, PGS, TS Lương Đình Hải lưu ý cần tập trung vào tháo gỡ “điểm nghẽn” là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đề cập nội dung hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam trong các chủ trương, chính sách về con người và nguồn nhân lực; xác định hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

Hệ giá trị gia đình là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc

Phát biểu trong phiên thảo luận, TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu rõ, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam.

“Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc, xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người”- TS Trần Tuyết Ánh cho biết.

Để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, PGS, TS Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh cần phát huy yếu tố tích cực trong giáo dục các chuẩn mực đạo đức, nhân cách trong gia đình; đồng thời phát huy các giá trị tâm lý, tình cảm: tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu quê hương, đất nước…

Bà Hoa cũng nhận diện những giá trị gia đình cốt lõi cần được chú trọng giữ gìn, phát triển trong thời kỳ mới, gồm giá trị ấm no, giá trị hạnh phúc, giá trị tiến bộ, giá trị văn minh.

Đề cập một số vấn đề cần quan tâm để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, Viện trưởng Viện Tâm lý học cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá về hệ giá trị gia đình Việt Nam; tuyên truyền và giáo dục truyền thông nhằm coi trọng giáo dục trong gia đình; xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới…

Trong phiên tọa đàm bàn tròn sau đó, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới; việc phát triển những giá trị mới dựa trên các giá trị truyền thống; làm thế nào để đưa hệ giá trị gia đình đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành tình cảm, suy nghĩ, tâm niệm của mỗi tầng lớp nhân dân, mỗi con người cụ thể…

Chiều nay, trong khuôn khổ hội thảo sẽ diễn ra phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Giá trị quốc gia và giá trị văn hóa trong thời kỳ mới”.