Quản trị tốt giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch

NDO - Gần 33% số doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, họ vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 chính là nhờ năng lực quản trị. Bên cạnh đó, sự phản ứng chính sách nhanh, hành động của Chính phủ, chính quyền địa phương rất quan trọng đối với doanh nghiệp và càng đặc biệt quan trọng khi xảy ra biến cố, khủng hoảng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Sáng 9/11, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố báo cáo Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19 và đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Resform).

7 yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) Lê Anh Văn chỉ ra 7 yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó khủng hoảng. Theo đó, 7 yếu tố gồm: Năng lực quản trị doanh nghiệp; thị trường, khách hàng; quy mô vốn; ngành nghề kinh doanh; khả năng huy động vốn; thời gian hoạt động và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Trong đó, 32,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ vượt qua khủng nhờ năng lực quản trị; 20,5 % doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ giữ được khách hàng, phát triển thị trường. Quy mô vốn là yếu tố thứ ba giúp doanh nghiệp trụ vững trong khủng hoảng với 20% số doanh nghiệp khẳng định điều này. Các yếu tố còn lại có mức độ quan trọng thấp hơn trong quá trình “vượt bão” của doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ trả lời khảo sát từ 14,7%-18%.

Đáng lưu ý, chuyển đổi số cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng nhưng chỉ có 14,7% doanh nghiệp cho biết đã bắt kịp chuyển đổi số, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, nhờ đó vượt qua được khủng hoảng. “Kết quả khảo sát này cho thấy có rất nhiều việc phải làm trong chương trình chuyển đổi số Chính phủ đã ban hành, từ việc thực thi chính sách đến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa...”, Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn nói.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn, cho nên thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch Covid-19. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh: Báo cáo rất có ý nghĩa trong việc cung cấp bằng chứng về quản trị tốt có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định, đối với những doanh nghiệp chống chịu được trong đại dịch do có nguồn tài chính, duy trì được thị trường,... đâu đó vẫn có yếu tố may mắn nhưng quản trị tốt là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững và vượt khủng hoảng. Vì bản thân khung khổ quản trị đã có yếu tố quản trị rủi ro và khi có năng lực quản trị tốt thì sẽ vượt qua được. Kết quả nghiên cứu này là minh chứng cho thấy yếu tố quản trị doanh nghiệp tốt ngày càng trở nên quan trọng.

Nâng cao năng lực chủ động thích ứng

Báo cáo cho thấy sự phản ứng chính sách nhanh, hành động của Chính phủ, chính quyền địa phương rất quan trọng với doanh nghiệp và càng đặc biệt quan trọng khi xảy ra biến cố, khủng hoảng… Nhờ những chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ được Chính phủ rất khẩn trương đưa ra với quy mô chưa từng có khi dịch Covid-19 bùng nổ, đã giúp cho doanh nghiệp trụ vững, gượng dậy và sớm phục hồi.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ; xem xét sâu rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây và càng cần phải có kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết các tác động khủng hoảng theo các kịch bản tiềm tàng khác nhau.

Khi có những biến cố bất ngờ hay khủng hoảng xảy ra, sẽ có nhiều doanh nghiệp mất phương hướng. Lúc này, vai trò hỗ trợ của các hiệp hội rất lớn. Nhiều hiệp hội đã chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhưng phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng phản ứng còn yếu, vai trò rất mờ nhạt.

Để giúp các doanh nghiệp thích ứng và ứng phó có hiệu quả các cuộc khủng hoảng, cú sốc bất ngờ trong tương lai, Báo cáo đề xuất các giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn và dài hạn, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp, phải cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, bảo đảm hiệu quả hoạt động và dòng tiền. Giải quyết ngay những vấn đề phát sinh đột xuất, bất thường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Coi nhân sự là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại với người lao động, nhất là khi khủng hoảng xảy ra, nhằm đưa ra phương hướng hoạt động, sản xuất cho doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng, cũng như thực hiện các giải pháp hiệu quả hỗ trợ người lao động. Chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng để chuyển hướng kịp thời…

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cần xây dựng các diễn đàn chia sẻ những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu các cú sốc. Đồng thời, tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển; tổng hợp, đề xuất Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững…

Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, báo cáo kiến nghị nghiên cứu rà soát, bổ sung, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển; tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính thực chất; triển khai hiệu quả các chính sách và nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, thị trường mới.