Năm 2022, Hội chợ quốc tế Công nghiệp thực phẩm (SIAL Paris) được tổ chức trở lại sau hai năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, tạo ra những cơ hội quý báu cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ lại các đối tác, không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới.
Năm nay, cách thức xúc tiến thương mại tại hội chợ khác hẳn những lần tham dự trước. Thay vì chỉ đưa một đoàn doanh nghiệp đi tham dự hội chợ triển lãm và gặp gỡ trực tiếp khách hàng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã đổi mới quy trình chuẩn bị.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu có nhu cầu và nguyện vọng tham dự hội chợ SIAL Paris 2022 sau khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký, sẽ được tuyển lựa kỹ càng về năng lực xuất khẩu, cách làm thương hiệu đổi mới, bảo đảm chất lượng cao theo đúng tiêu chuẩn của những thị trường châu Âu khó tính. Quan trọng hơn là đáp ứng được nhu cầu và tiêu chuẩn nhập khẩu của các doanh nghiệp quốc tế.
Trong suốt 5 ngày từ 15 đến 19/10, khu Việt Nam thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà phân phối và xuất nhập khẩu đến từ nhiều khu vực trên thế giới. Không chỉ sáng tạo hơn về thiết kế bao bì mẫu mã, nâng cao hơn về chất lượng sản phẩm, bảo đảm đầy đủ chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm và thương mại công bằng, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc đổi mới tư duy cách làm thương hiệu.
Ông Mariko Abdoul Wahab, Giám đốc thương mại của Công ty Nedipa (Mali), cho biết: “Chất lượng và nguồn gốc của các loại sản phẩm là hai trong những yếu tố quyết định để chúng tôi tìm nguồn hàng nhập khẩu. Cũng như các nhà nhập khẩu, phân phối ở châu Âu, chúng tôi rất thích các sản phẩm Việt Nam. Trong những năm gần đây, chúng tôi theo dõi xuyên suốt quá trình trồng trọt, thu hoạch và chế biến của sản phẩm, từ những hạt giống gieo trồng trên tay người nông dân cho đến những thành phẩm có hàm lượng tinh chế sâu trong nhà máy ở Việt Nam. Chính vì vậy, các sản phẩm của Việt Nam tại hội chợ lần này đã đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của chúng tôiˮ.
Do bảo đảm được các tiêu chí trên, các sản phẩm của Việt Nam đã được đánh giá cao về mặt chất lượng và mẫu mã. Theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp, những ngày vừa qua, có hơn 2.000 giao dịch được thực hiện ngay tại các gian hàng Việt Nam, tăng từ 15-20% so với những lần tham gia hội chợ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết được những hợp đồng thương mại từ vài trăm nghìn cho tới vài triệu USD.
Một nhà nhập khẩu châu Âu tiến hành giao dịch tại gian hàng của NaFoods Group. (Ảnh: MINH DUY) |
Chị Nguyễn Công Hương Giang, Trưởng phòng Kinh doanh của Tập đoàn NaFoods cho biết: “Chúng tôi rất hài lòng với những kết quả tại hội chợ lần này. Các sản phẩm trái cây sấy và hạt dinh dưỡng của NaFood đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của nhà nhập khẩu quốc tế. Thật vui là chúng tôi đã ký kết được nhiều hợp đồng với giá trị khoảng 5 triệu USD, trong đó có 3 triệu USD từ các đối tác chiến lược có quan hệ hợp tác từ trướcˮ.
Chị Trịnh Nhi, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ tiêu Việt (VietPepper), cũng vui mừng chia sẻ về kết quả rất tốt trong mấy ngày tham dự hội chợ. Chị cho biết: “Các nhà nhập khẩu và phân phối rất quan tâm tới sự đồng hành của doanh nghiệp cùng những người nông dân trong phát triển vụ mùa, phát triển bền vững khu vực trồng trọt, là cầu nối vững chắc giữa người nông dân và khách hàng. VietPepper cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam đã nắm bắt kịp thời dòng chảy mới của thị trường, đó là nông nghiệp xanh. Vì vậy, các khách hàng quốc tế tại hội chợ đã rất quan tâm tới các sản phẩm của VietPepperˮ.
Một số doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên được tham dự hội chợ SIAL Paris 2022 cũng ghi nhận những tiềm năng và cơ hội hợp tác từ thị trường châu Âu nói chung và thị trường Pháp nói riêng.
Đánh giá về kết quả tham dự SIAL 2022, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, nhờ có sự chuẩn bị chuyên nghiệp hơn, chất lượng của các doanh nghiệp tham gia hội chợ đã được nâng lên. Nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo-tập huấn, phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Phòng Công nghiệp và Thương mại Paris đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối và tìm kiếm giao thương với các đối tác Pháp và quốc tế, thay vì chỉ hoạt động ở hội chợ. Do vậy hiệu quả mang lại là rõ rệt trong việc quảng bá thương hiệu của ngành thực phẩm Việt Nam.
Hội chợ quốc tế Công nghiệp thực phẩm (Sial Paris), được tổ chức hằng năm tại Trung tâm triển lãm Villepinte ở ngoại ô phía bắc Paris, là một trong những hội chợ lớn nhất và uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Với tổng diện tích mặt bằng là 250.000m2, mỗi kỳ Hội chợ thu hút khoảng 7.000 doanh nghiệp tham gia trưng bày từ hơn 100 nước trên thế giới. Hội chợ là một cơ hội rất tốt để quảng bá cho ngành thực phẩm nói chung của Việt Nam.
Đoàn Việt Nam tham gia Hội chợ lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 80 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Khu gian hàng Việt Nam có 36 doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm gồm mật ong, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, gạo và các sản phẩm từ gạo… trên diện tích 304m2.