Các tham luận tại tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ những chủ đề, nội dung: Khủng hoảng truyền thông tác động đến an ninh chính trị, những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay; nhận diện và xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội; kinh nghiệm của một số quốc gia về xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị-xã hội; vai trò của truyền thông xã hội trong đối phó và xử lý khủng hoảng lĩnh vực chính trị-xã hội. Vai trò của cán bộ, đảng viên trong xử lý khủng hoảng truyền thông lĩnh vực chính trị-xã hội ở Việt Nam.
Hiện nước ta là một trong những quốc gia có số dân tham gia kết nối trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN hiện nay với số người sử dụng mạng xã hội là 72 triệu người, trong đó 61 triệu khách hàng có thể được tiếp cận thông qua quảng cáo trên Facebook, 5,4 triệu trên Instagram, 3,3 triệu trên LinkedIn và 1,27 triệu qua Twitter. Thêm vào đó, lượng người sử dụng Zalo là rất lớn.
Tọa đàm đã góp phần làm rõ những yêu cầu đặt ra trong việc xử lý, kiểm soát khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị-xã hội ở Việt Nam; đề xuất, tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Ðảng những giải pháp quản trị hiệu quả vấn đề này trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đóng góp vào việc triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.