Cà Mau có rất nhiều thuận lợi để cán bộ trẻ cống hiến và trưởng thành. Rất nhiều tiềm năng của tỉnh chưa được khai thác. Do đó, cán bộ trẻ sẽ phát huy được vai trò của mình khi họ được đưa vào việc, trăn trở vì sự phát triển của tỉnh nhà, được tiếp cận các cơ hội để sáng tạo, được cọ xát và bồi dưỡng để trưởng thành. Để có lớp cán bộ trẻ giỏi, Cà Mau sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật…
Trước mắt, UBND tỉnh Cà Mau sẽ thành lập câu lạc bộ công chức trẻ của tỉnh dự kiến Chủ tịch tỉnh là chủ nhiệm nhằm giảm các rào cản hành chính, để công chức trẻ được tiếp xúc và trao đổi nhiều hơn với lãnh đạo tỉnh; được tham gia sâu hơn vào các nhiệm vụ, đề án phát triển của địa phương; được trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm; đào tạo bồi dưỡng. Tôi tin tưởng qua câu lạc bộ sẽ phát hiện, lôi cuốn nhiều công chức, viên chức trẻ tâm huyết và họ sẽ phát huy được vai trò, mô hình này sẽ thành công.
Với 254 km bờ biển, dài nhất toàn quốc; diện tích biển thuộc nhóm đứng đầu, diện tích đất lớn hơn nhiều so với các tỉnh trong vùng, Cà Mau có lợi thế vô cùng lớn về kinh tế biển. Đó là năng lượng tái tạo (điện ven biển, ngoài khơi), diện tích nuôi trồng thủy sản; rừng ngập mặn, rừng tràm; cảng Hòn Khoai có thể phát triển thành cảng nước sâu quốc tế có năng lực cạnh tranh số 1 trong khu vực Vịnh Thái-lan; du lịch với lợi thế vượt trội là điểm cực nam Tổ quốc, môi trường sinh thái trong lành, văn hóa, ẩm thực hấp dẫn, có quỹ đất rất lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ven rừng ven biển.
Nếu như tiếp cận truyền thống, hướng tâm, thì Cà Mau thật sự là vùng sâu, vùng xa do hạ tầng giao thông kém, và xa TP Hồ Chí Minh nhất vùng, nhưng nếu phát triển kinh tế biển, Cà Mau sẽ là tỉnh đi đầu, xứng đáng là cực tăng trưởng của vùng.
Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế tỉnh tập trung bao gồm: đầu tư hạ tầng cao tốc, sân bay và cảng biển (cao tốc được thực hiện theo hình thức công tư đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý), phát triển năng lượng tái tạo (phát triển điện mặt trời và điện gió ven biển giúp tạo điện, chắn sóng và bảo vệ đê, tái tạo rừng và tạo vùng nuôi biển, du lịch, nếu khai thác hết tiềm năng điện tái tạo, tỉnh hoàn toàn có thể tự chủ ngân sách); tái cấu trúc sản xuất thủy sản để tiếp tục dẫn đầu về sản lượng thủy sản (hình thành các khu công nghiệp tôm tập trung; tái cấu trúc nuôi trong dân, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số… sẽ giúp tăng nhanh sản lượng và giảm giá thành); phát triển du lịch (Cà Mau điểm đến 2021, với năm lễ hội lớn sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách).
Muốn đạt mục tiêu thì quan trọng nhất là yếu tố nguồn lực và sự kết hợp các giải pháp phù hợp, bền vững. Đòi hỏi đặt ra là cần tập trung phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống thiên tai; thực hiện tốt quy hoạch với tầm nhìn xa để tạo nền cho thu hút đầu tư và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế và cải cách hành chính.
Đất nước sau 35 năm đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết về an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Tại các Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đây là những điểm nhấn được đề cập, chú trọng nhiều hơn và có nhiều giải pháp đột phá. Phát triển bền vững, bao trùm được coi trọng. Nhiều nội dung được nhấn mạnh và có giải pháp như vấn đề của giai cấp công nhân trong tình hình mới (thu nhập thấp, thiếu nhà ở, thiếu nhà trẻ và trường học cho con cái, kỹ năng thấp…); đào tạo lại nguồn nhân lực; phát triển bảo hiểm xã hội; quản lý xã hội…