Đồng chí H’Kim Hoa Byă, Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk:

Công tác dân vận: “mưa dầm thấm lâu”

Là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, tôi đảm nhiệm hai lĩnh vực công tác có sự tương hỗ lẫn nhau, đòi hỏi nghiên cứu chiều sâu hơn, luôn trăn trở, suy nghĩ, sắp xếp hài hòa, dành nhiều thời gian gần dân, hiểu dân để tham mưu đúng và trúng.
 

Công tác dân vận: “mưa dầm thấm lâu”

Công tác mặt trận tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, khẳng định rõ vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân: giám sát, phản biện được tăng cường, nhiều hoạt động an sinh xã hội mang lại hiệu quả thiết thực như huy động ủng hộ quà Tết, hỗ trợ người nghèo, bão lụt, chống Covid-19, xây dựng nhà đại đoàn kết... Tích cực kêu gọi chung tay với nhiều cách làm sáng tạo, công khai các nguồn chi hỗ trợ đã giúp nguồn lực huy động ngày càng lớn. Phản biện được chú trọng hơn dưới góc độ nhìn nhận của người dân để đánh giá về chủ trương, chính sách có phù hợp không, từ đó giúp triển khai thuận lợi. Tôi cũng tranh thủ gặp gỡ, vận động các chức sắc tôn giáo định hướng giáo hội, vận động tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo.
 
 Nhiều người cho rằng công tác dân vận đơn thuần chỉ là đi tuyên truyền, vận động, phát động phong trào nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Làm sao để bà con thấy rõ vai trò là cầu nối người dân với Đảng, chính quyền. Với một tỉnh có 49 dân tộc, cán bộ dân vận phải tìm hiểu phong tục tập quán từng dân tộc, từ đó tìm cách tiếp cận, gần gũi hỏi chuyện, khéo léo tuyên truyền giúp bà con tiếp cận văn bản, chính sách, hỗ trợ họ khi cần sự trợ giúp của chính quyền địa phương. Tôi thường xuyên xuống địa bàn, lắng nghe tâm tư, kiến nghị của bà con, và từ thực tế ở cơ sở kết hợp nghiên cứu chính sách kỹ lưỡng tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo kịp thời, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể giải quyết nhanh chóng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Công tác dân vận: “mưa dầm thấm lâu” -0
Đồng bào dân tộc  thiểu số ở Đắk Lắk  thu hoạch cà-phê.

 Tuyên truyền, vận động bà con là cả quá trình “mưa dầm thấm lâu” và hiệu quả nhất là trực tiếp gặp gỡ, “cầm tay chỉ việc”. Với đồng bào dân tộc cần chuyện trò thân tình, dùng ngôn từ dễ hiểu, dẫn chứng cụ thể như muốn đời sống khấm khá, ấm no hơn thì đất này cần nuôi con gì, trồng cây gì; chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm là phạm Luật Giao thông, bị phạt bao nhiêu tiền; tặng mũ bảo hiểm khi tuyên truyền để nhắc nhở người dân chấp hành, đưa bà con đi tham quan các mô hình sản xuất giỏi để học tập…Hồi năm 2016, Ban kết nghĩa với một buôn ở Ea Yieng (Krông Păk), thấy đời sống bà con còn khó khăn đã bố trí xe chở đại diện trưởng các buôn đi Ea H’Leo học mô hình làm tinh dầu sả. Huyện hỗ trợ bà con giống trồng và nồi ép tinh dầu, hiện nay thu hoạch không đủ sả để làm tinh dầu. Chúng tôi cũng khéo léo gợi chuyện cùng là người đồng bào, vì sao buôn đó, xã đó lại khấm khá hơn để khích lệ bà con có động lực vươn lên thoát nghèo. Thường vụ vừa giao Ban Dân vận đề án tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ và cách làm trong sản xuất để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bà con trình độ, nhận thức hạn chế, quen nếp canh tác cũ, lại khó có điều kiện tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ nên phải hướng dẫn cặn kẽ cần thay đổi phương pháp sản xuất để nâng cao năng suất, thuyết phục trồng thêm loại cây khác bên cạnh cây trồng đơn thuần quen thuộc, đề phòng được mùa rớt giá. Nghị quyết, chính sách đề ra chung với đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng muốn đi vào đời sống phải tính đến mỗi dân tộc tập quán canh tác khác nhau để triển khai cụ thể, phù hợp.
 
 Vinh dự lần thứ tư dự Đại hội Đảng toàn quốc và mỗi lần dự đại hội tôi học hỏi được nhiều điều, trưởng thành hơn. Qua mỗi kỳ đại hội quy mô tổ chức lớn hơn, văn kiện đáp ứng được những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, sát hợp hơn với tình hình thực tế các địa phương. Tôi luôn đặt niềm tin vào các quyết sách của Đại hội và mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách thiết thực về đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số và hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số có điều kiện học tập, tạo việc làm tránh lãng phí nguồn lực, đặc biệt quan tâm hơn nữa đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận.