Vì Covid-19, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn có những kết quả khả quan. Trong 4 năm (từ 2015 đến 2019), số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng đáng kể qua từng năm, chạm mốc kỷ lục 152 nghìn người vào năm 2019.
Trong năm 2020, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, chỉ sau ngành hàng không và du lịch.
Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây những khó khăn đối với lĩnh vực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tác động tiêu cực này ảnh hưởng tới tất cả các khâu như: tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi đến việc tổ chức chuyến bay cho lao động đi ra nước ngoài và về nước. Con số này giảm đáng kể trong đại dịch, xuống 78 nghìn vào năm 2020 và chỉ còn 45 nghìn vào năm 2021.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số thị trường tiếp nhận nhiều lao động trong nước, có thu nhập cao vẫn đóng cửa. Cụ thể như: Nhật Bản từ cuối tháng 1/2021, Đài Loan (Trung Quốc) từ giữa tháng 5/2021, Hàn Quốc đến tháng 5/2021 mới tiếp nhận trở lại lao động sau hơn 1 năm đóng cửa. Cùng với đó, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài.
Ước tính số lượng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hiện nay có khoảng 580 nghìn người. Cụ thể: Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người; Nhật Bản có gần 250.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người. Còn lại ở các thị trường khác (Trung Đông - châu Phi, Đông Nam Á và châu Âu).
Bảo vệ tốt hơn quyền của lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trong năm 2022, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi tắt là Luật) chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Văn bản này có những sửa đổi quan trọng, tạo cơ hội bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, trong Luật, các nội dung về bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thể hiện khá cụ thể. Có một số nội dung nổi bật được quan tâm.
Trước hết, quyền chủ động và tự nguyện của người lao động đi làm việc ở nước ngoài nằm trong Điều 1, Điều 2, Điều 3 và Điều 5. Theo đó, bảo đảm quyền của người lao động được ra nước ngoài làm việc hợp pháp, tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài phù hợp và không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn của họ.
Cùng với đó, bảo đảm vị thế của người lao động ở nước ngoài.
Với chủ trương không đưa người lao động đi làm việc bằng mọi giá, mà phải bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo đảm người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cũng như sau khi về nước có vị trí làm việc phù hợp với trình độ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của người lao động. Điều 4 của Luật đã quy định theo hướng khuyến khích người lao động đi làm việc ở ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đi làm việc an toàn, việc làm có thu nhập cao, làm việc ở những ngành, nghề, công việc cụ thể ở nước ngoài. Qua đó, giúp người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Sau khi về nước, họ có thể phát huy và sử dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, trình độ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, người lao động được bảo đảm quyền bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bảo vệ phù hợp với đặc điểm về giới.
Thêm nữa, Luật lấy người lao động làm trung tâm, nội dung các điều, khoản của Luật đã thể hiện quy định Nhà nước có các chính sách đối với người lao động; quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Luật cũng bảo đảm giảm gánh nặng về chi phí cho người lao động đi làm việc ở ngoài qua loại bỏ tiền môi giới. Người lao động không phải hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ tiền môi giới do doanh nghiệp dịch vụ trả cho tổ chức, cá nhân trung gian.
Luật quy định nghiêm cấm hành vi thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này. Đồng thời, đã luật hóa quy định hiện hành về việc thu tiền dịch vụ của người lao động như: mức trần tiền dịch vụ; thời điểm được thu tiền dịch vụ là sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận và sau khi ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc hoàn trả tiền dịch vụ cho người lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định.
Năm 2021, một điểm đáng quan tâm là Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. Qua đó, cũng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước, trong đó có lao động Việt Nam đi làm việc tại nước này.
Sắp tới, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với các quốc gia khác như Đức, Nhật Bản... Từ đó, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Gia Liêm cũng nhấn mạnh, thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định pháp luật và hướng dẫn chi tiết Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan ở Trung ương, địa phương và cơ sở.
Cũng cần quan tâm ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước truyền thống, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh với người lao động. Phối hợp cơ quan chức năng nước sở tại sớm tổ chức các chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và đón người lao động hết hạn hợp đồng về nước.