Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đối phó với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

NDO - Trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cũng như thực hiện xử lý, xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. 
0:00 / 0:00
0:00
Tạm giữ gần 600 sản phẩm, phụ kiện thuốc lá điện tử tại thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên. (Ảnh: HH)
Tạm giữ gần 600 sản phẩm, phụ kiện thuốc lá điện tử tại thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên. (Ảnh: HH)

Các khâu lập kế hoạch, kiểm tra, xử phạt của Cục Quản lý thị trường tỉnh đều được đưa lên hệ thống điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường và được giữ bí mật tuyệt đối.

Khi Cục Quản lý thị trường ban hành văn bản mời các ngành, cơ quan tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, văn bản chỉ nêu nội dung, thời gian và địa bàn được kiểm tra, không nêu cụ thể đối tượng và địa chỉ của đối tượng để bảo đảm bí mật. Ngoài ra lực lượng Quản lý thị trường có thể sử dụng phương pháp kiểm tra ngay khi đã điều tra, xác minh chính xác nơi để hàng, dấu hiệu giả mạo, hoặc kiểm tra ngay khi đối tượng có khả năng tẩu tán hàng hóa.

Theo Phó Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Trung, thông tin gian lận thương mạihàng giả thường xuất phát từ 3 nguồn: từ cán bộ thị trường quản lý địa bàn, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa (các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả) và từ nhân dân, báo chí. Trường hợp có doanh nghiệp tố cáo việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa thì thông tin cũng phải đóng kín, không để lọt lộ, cho đến khi tiến hành kiểm tra.

Do tính chất công việc, Cục Quản lý thị trường tỉnh phải phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành và cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các đơn vị thường xuyên phối hợp là Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố. Thông thường, cơ quan nào phát hiện đối tượng vi phạm thì cơ quan đó lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính.

Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đối phó với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ảnh 1

Kiểm tra rượu sản xuất thủ công tại phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: HH)

Gần đây, lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Tại huyện Vĩnh Tường và thành phố Vĩnh Yên, Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra đột xuất và xử phạt 2 cơ sở kinh doanh xe mô-tô, xe máy, xe máy điện vì kinh doanh, trưng bày xe máy nhãn hiệu “Super CUB”, nhãn hiệu “Cub” tương tự nhãn hiệu “Super CUB”, “Cub” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Công ty HONDA.

Lực lượng Quản lý thị trường Vĩnh Phúc cũng phát hiện nhiều vi phạm tại các cơ sở kinh doanh các mặt hàng: ốp điện thoại di động, sản phẩm phụ kiện thuốc lá điện tử, sản phẩm rượu thủ công …

8 tháng đầu năm nay, Cục Quản lý thị trường thực hiện 483 cuộc kiểm tra, trong đó có 82 cuộc kiểm tra đột xuất; phát hiện 151 vụ vi phạm, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước. Cục đã xử phạt hành chính gần 1,6 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,9 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa bị tịch thu hơn 205 triệu đồng. Trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 500 triệu đồng. Trong đó, hành vi vi phạm bị xử phạt nhiều nhất là vi phạm trong kinh doanh, tiếp theo là kinh doanh hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Với quan điểm làm nghiêm để răn đe, 8 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố hình sự 22 vụ với 28 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 1.350 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 77 tỷ đồng.

Riêng mặt hàng xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 10 vụ, xử phạt 450 triệu đồng. Các đơn vị cũng xử lý 6 vụ vi phạm đối với mặt hàng khí thiên nhiên nén hoặc hóa lỏng (CNG, LNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Trong thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, phổ biến nhất là: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giầy dép, đồ điện tử.

Trong thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, phổ biến nhất là: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giầy dép, đồ điện tử.

Cục đã xử phạt một số cơ sở kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm, túi, ví nhái nhãn hiệu nổi tiếng. Ngày 7/9/2023, tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, cán bộ quản lý thị trường kiểm tra một lô hơn 600 túi, ví gắn nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton. Cục Quản lý thị trường đang xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với lô hàng hóa này về hành vi giả mạo thương hiệu. Cán bộ chuyên môn xác định, số túi, ví trên không phải là hàng giả vì chỉ làm giả một vài chi tiết.

Cục phó Quản lý thị trường Nguyễn Đức Trung cho biết, cán bộ quản lý thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về các dấu hiệu nhận biết sản phẩm. Trường hợp nghi ngờ là hàng giả, Cơ quan sẽ gửi sản phẩm, mẫu sản phẩm cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc cho ủy quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam để xác minh.

Việc xác định giá trị thật của mặt hàng để xử phạt vi phạm hành chính và bán đấu giá tài sản trước hết phải căn cứ vào giá niêm yết bán lẻ của cửa hàng, sau đó là giá trong hợp đồng, hóa đơn; giá thành sản xuất sản phẩm đó. Nếu vẫn không xác định được thì phải thành lập Hội đồng định giá.

Đối với việc xác định giá trị tang vật, lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều tình huống hóc búa. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra, phát hiện vụ việc vi phạm trên địa bàn huyện Sông Lô, thu giữ lô hàng 15.000 chiếc bàn chải đánh răng, giá bán lẻ trên thị trường khoảng 3.000 đồng/chiếc, nhưng nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm là 36.000 VND. Việc ghi giá như vậy gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi định giá trị tang vật.

Nếu không phát hiện kịp thời mà nhân số tiền theo giá nhà sản xuất ghi (36.000 VND) với số sản phẩm bị thu giữ thì số tiền xử phạt vi phạm hành chính sẽ rất lớn. Trong trường hợp này, Quản lý thị trường tỉnh xác định có giá in trên sản phẩm nhưng không phải là giá niêm yết, phải tiến hành xác định lại giá cho chính xác để không oan sai cho người kinh doanh.

Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đối phó với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ảnh 2
Kiểm tra, đánh giá chuyên môn nghiệp vụ của công chức quản lý thị trường. (Ảnh: HH)

Để nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá chuyên môn nghiệp vụ bằng hình thức thi trực tuyến đối với 29 công chức. Kết quả tất cả công chức đều hoàn thành kỳ thi năm 2023, trong đó, loại giỏi đạt 62,07%, khá đạt 24,14% và trung bình đạt 13,79%.

Đối phó với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Hoàng Phương cho biết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các lực lượng chức năng kết hợp giữa công tác kiểm tra với tuyên truyền pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Cục Quản lý thị trường tỉnh mong muốn người dân và doanh nghiệp chia sẻ, hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.