Tọa đàm là dịp các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý và các chuyên gia cùng thảo luận và tìm giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, để đưa ngành hải quan vượt qua thách thức kép và đạt được mục tiêu kép.
Mục tiêu kép ở đây là vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả. Qua đó, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành hải quan góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025.
Hai chủ đề được tập trung nêu bật tại tọa đàm. Đó là: Thách thức kép của ngành hải quan trong thu ngân sách và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; vai trò của chuyển đổi số, hiện đại hóa hải quan.
Quang cảnh tọa đàm. |
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trần Đức Đông cho biết, về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, riêng trong quý I/2023, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện 28.028 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 3.394 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cũng theo ông Trần Đức Đông, nhiều thách thức đang đặt ra, đặc biệt là sự gia tăng các vi phạm, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các thách thức này gồm 4 nhóm. Đó là: Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; Cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế; Trình độ, năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng như các cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; Các yếu tố khác tác động đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong quý I/2023, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện 28.028 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 3.394 nghìn tỷ đồng.
Về phương thức-thủ đoạn, thực tế trong những năm qua cho thấy, xu hướng chuyển dịch buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... diễn biến dưới các hình thức như mang vác vận chuyển nhỏ lẻ qua đường mòn, lối mở; cư dân biên giới giao dịch, trao đổi, lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp và ký kết hợp đồng thương mại, khai báo hải quan để thông quan và hậu kiểm, để buôn lậu, gian lận thương mại với quy mô lớn và phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Cùng với đó là thành lập các công ty, các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, gian lận xuất xứ để mua bán hóa đơn lòng vòng nhằm chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng và thu lời bất chính.
Một phương thức nữa là chuyển từ hình thức kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận trực tiếp và truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển hàng hóa vi phạm qua đường bưu chính chuyển phát nhanh. Điều này rất khó cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.
Hàng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn công khai mua bán, giao dịch trên môi trường mạng đến tận nhà người dân. Trong khi đó, thực tiễn còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu về lực lượng, biện pháp và ứng dụng khoa học, công nghệ và quan hệ phối hợp để phát hiện và xử lý các loại vi phạm và tội phạm này.
Số vụ việc, vụ án phát hiện hàng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm so với thực tiễn cũng còn hạn chế, đặc biệt là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có tỷ lệ phát hiện so với hàng buôn lậu, hàng cấm còn khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ chiếm 20-30%.
Công tác cải cách hiện đại hóa hải quan đã đạt được một số thành tựu quan trọng.
Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan)
Còn theo ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), công tác cải cách hiện đại hóa hải quan đã đạt được một số thành tựu quan trọng.
Trước hết, về phương thức quản lý, cơ quan hải quan đã chuyển đổi một cách toàn diện phương thức quản lý từ thủ công chuyển sang hình thức sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử với 5 mục tiêu. Cụ thể là: Khai báo thông tin trước đối với hàng hóa; khai báo về dữ liệu thông tin để phục vụ thông quan là hoàn toàn trên tờ khai điện tử; áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN, ít các giấy phép và các chứng nhận chất lượng do các cơ quan quản lý nhà nước phát hành cũng dưới dạng hình thức là chứng từ điện tử; kết nối cơ chế một cửa ASEAN để áp dụng chứng nhận xuất xứ điện tử; thanh toán tất cả các khoản phí và lệ phí, thuế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan thông qua hình thức điện tử.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng một cách toàn diện và rộng rãi phương thức đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp dựa trên các kỹ thuật quản lý rủi ro và hệ thống phân tích thông tin. Qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa và vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Nỗ lực này giúp rút ngắn về mặt chi phí, thời gian khi thực hiện các thủ tục hải quan nói riêng và thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung. Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, thực hiện khai báo và cấp giấy chứng nhận, giấy phép qua cơ chế một cửa quốc gia.
Thêm vào đó, các hệ thống này đáp ứng được việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, nhưng mặt khác lại tăng cường kiểm soát cho cơ quan hải quan. Dựa trên tính kịp thời, chính xác của thông tin, công cụ phân tích thông tin và đánh giá rủi ro sẽ nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng vô cùng quan trọng và ấn tượng. Tới năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mức 700 tỷ USD. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới.
Từ trước năm 2014, số lượng các tờ khai hải quan của xuất nhập khẩu là dưới 10 triệu tờ khai/năm. Tuy nhiên, sau năm 2014, trung bình mức độ tăng trưởng về hoạt động xuất nhập khẩu tính qua kim ngạch và tờ khai tăng hơn 10%/năm. Hằng năm, trung bình xử lý hơn 13 triệu tờ khai xuất nhập khẩu.