Ngăn hàng giả trên “chợ mạng”

Tăng trưởng thương mại điện tử mang lại thuận tiện cho người dùng, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc xử lý hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn phân biệt các loại đồ chơi thật, giả. Ảnh: HẢI NAM
Hướng dẫn phân biệt các loại đồ chơi thật, giả. Ảnh: HẢI NAM

Vi phạm tăng nhanh

Ông Đỗ Việt Tùng, Trưởng phòng Đối ngoại của Tập đoàn LEGO (tập đoàn lớn nhất Đan Mạch, sở hữu thương hiệu đồ chơi LEGO) tại Việt Nam cho biết, hiện các sản phẩm LEGO bị làm giả, làm nhái rất phổ biến.

Tính riêng trong quý I/2023, các cơ quan chức năng phát hiện và tháo gỡ 5.339 đường dẫn sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trên bốn sàn TMĐT lớn tại thị trường Việt Nam. Ông cho biết, việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thương hiệu cũng như việc kinh doanh của tập đoàn, khi dự kiến sự kiện sản phẩm đầu tiên sẽ được sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2024.

LEGO chỉ là số ít thương hiệu trong ma trận hàng giả, hàng nhái đang ngày một gia tăng hiện nay.

Thực tế, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công thương cho biết, mới tính đến tháng 4/2023, đơn vị này đã phát hiện 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ trên sàn TMĐT. Con số này cao gấp từ hai đến ba lần so với tổng cả năm 2022 (đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm).

Theo đơn vị này, hàng thật - giả trên “chợ mạng” rất khó nhận biết, trong số đó, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều. Nhưng đây lại là những mặt hàng không những có nguy cơ bị làm giả nhiều nhất, mà còn khó quản lý bởi những quy định hiện hành.

“Việc các website và các trang mạng xã hội được tạo ra và đóng lại nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm. Khi lịch sử giao dịch bị xóa, việc khôi phục giao dịch cũng là thách thức với cơ quan quản lý khi có hàng triệu thông tin về giao dịch được truyền tải trong mỗi giây”, đại diện TMĐT&KTS nêu khó khăn.

Dẫn vụ thu giữ gần 5 tấn TPCN có dấu hiệu giả mạo lớn nhất từ đầu năm tới nay (đêm 23/2), cùng một tấn bao bì tem nhãn và hơn hai tấn nguyên liệu thuốc, TPCN, tương đương hàng triệu viên dạng con nhộng… phải mất cả nửa năm trinh sát, đại diện lực lượng QLTT cho biết, để phát hiện được những vụ việc vi phạm bán hàng qua TMĐT mất rất nhiều thời gian, nguồn lực. Các đối tượng này rất tinh vi, thường xuyên xóa dấu vết tại các địa điểm tập kết hàng và thay đổi nơi cất giấu.

…Do khuyết khâu tiền kiểm

Chỉ cần gõ lệnh tìm kiếm trên Google về mặt hàng mỹ phẩm, chưa tới 0,45 giây đã cho khoảng 236.000.000 kết quả với đủ thể loại để người tiêu dùng lựa chọn.

Người tiêu dùng cũng có thể mua từ những sản phẩm làm đẹp (hóa mỹ phẩm, TPCN), tân dược, đông dược, thời trang, hàng gia dụng, thực phẩm, đủ loại, “mua gì cũng có” trên chợ mạng.

Tại đây, khách hàng có thể thấy được nhiều loại thương hiệu, hàng hiệu quảng bá nhưng giá thành thì rất bình dân, thậm chí rất rẻ để thu hút người mua hàng.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho biết, doanh nghiệp tự công bố chất lượng nộp cho Cục ATTP, tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm nên khi công bố một đằng, sản xuất sản phẩm lại một nẻo.

Hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN, lực lượng QLTT phải đi hậu kiểm (hiện chưa có tiền kiểm), trong khi cơ quan này còn quản lý rất nhiều hàng hóa khác.

Chưa kể, việc giám định, phân biệt thuốc và TPCN giả hay thật rất khó khăn. Ông Nguyễn Đức Lê nói: “Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, phải mất một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và TPCN giả trên thị trường”.

“Bên cạnh TPCN thì hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT cũng rất nhức nhối, hiện những loại hàng này không bày bán tràn lan như trước đây mà phần lớn được các đối tượng tập kết tại các kho hàng ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, sau đó lợi dụng TMĐT để kinh doanh lẩn tránh việc quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục QLTT cho hay.

Ông Huy cũng cho biết, hiện việc xử lý rất khó khăn do thực tiễn còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu về lực lượng, biện pháp và ứng dụng khoa học, công nghệ và quan hệ phối hợp để phát hiện và xử lý các loại vi phạm và tội phạm này.

Ngay cả những ông chủ “chợ mạng” cũng gặp khó khăn trong quản lý. Việc kiểm tra, xử lý chỉ thực hiện khi có sự phản hồi của người mua.

Đại diện sàn TMĐT Shopee Việt Nam cho biết, khi đăng bán sản phẩm, người bán có trách nhiệm bảo đảm hàng hóa của mình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và các chính sách của Shopee.

“Sàn sẽ tiến hành các biện pháp sàng lọc chủ động khác nhau để xác định và xử lý các sản phẩm, nhà bán hàng vi phạm, trong đó phần lớn là dựa vào phản hồi của người tiêu dùng. Đối với các trường hợp vi phạm, tùy vào từng mức độ, sẽ tiến hành gỡ bỏ sản phẩm, xử lý từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn đối với người bán”, đại diện Shopee cho hay.

Ngăn hàng giả trên “chợ mạng” ảnh 1

Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ khi mua hàng trên mạng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cách nào xử lý?

Trước những khó khăn trong xử lý hiện nay, ông Nguyễn Quang Huy thông tin, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT để tạo lập hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển, ứng dụng và quản lý chặt chẽ hoạt động TMĐT.

Theo đó, Bộ Công thương đã quy định cụ thể về đăng ký và hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, theo ông Huy, cần kết nối liên thông dữ liệu liên quan của các bộ, ngành, nắm được từng đối tượng kinh doanh trực tuyến.

“Mỗi ngành có chức năng, nhiệm vụ riêng, do đó, cần thường xuyên trao đổi, nắm bắt sát thực tiễn nhất và phối hợp chặt chẽ hơn trong triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ”, ông Huy nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Quang Huy, việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng trong công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng.

Việc mua hàng của TMĐT được quyết định phần lớn nằm ở sự thông thái của người tiêu dùng, do đó, đại diện Tổng cục QLTT lưu ý, người tiêu dùng cần chú ý khi giá sản phẩm quá rẻ so với giá mà nhà sản xuất hàng chính hãng đưa ra.

Hơn nữa, người mua cũng cần học thói quen yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ thông tin của sản phẩm và xuất hóa đơn, chứng từ cụ thể; nên mua hàng tại các cơ sở bán hàng có uy tín… Trường hợp phát hiện ra mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cần mạnh dạn lên án.

Thống kê từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho thấy, năm 2021-2022, tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam đạt từ 18-20%. Dự đoán giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 15-18%. Trong bối cảnh bùng nổ kinh doanh qua TMĐT, số lượng vi phạm cũng ngày càng tăng lên khi kiểm soát tại Việt Nam còn hạn chế.