Quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp

NDO - Việc ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất những chính sách hợp lý, cũng như ban hành quy trình, sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất chính sách quản lý rơm rạ.
Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất chính sách quản lý rơm rạ.

Chiều 13/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Tham vấn chính sách về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp”.

Theo Cục Trồng trọt, trong tổng số khoảng 47 triệu tấn rơm rạ được tạo ra mỗi năm trên cả nước thì hiện chỉ có khoảng 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây,…

Riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 24 triệu tấn lúa, đồng thời tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ. Trong tổng số lượng rơm rạ được tạo ra tại vùng này thì hiện có đến khoảng 70% là được người dân đốt trên đồng ruộng hoặc vùi lấp trong đất.

Việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng đã gây mất chất dinh dưỡng có trong rơm rạ, đồng thời làm mất đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Còn việc vùi rơm rạ vào đất ruộng sẽ gây tăng phát thải khí mê-tan và khí thải nhà kính.

Tại Hội thảo, qua hai phiên thảo luận về “Định hướng chính sách cho quản lý rơm rạ phục vụ đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao” và “Liên kết các tác nhân về nhà nước-doanh nghiệp-hợp tác xã hoặc nông dân-khoa học công nghệ trong quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp”, các đại biểu cho rằng, việc ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất những chính sách hợp lý, cũng như ban hành quy trình, sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Thông qua hội thảo này nhằm định hướng xây dựng chính sách thúc đẩy cơ giới hóa trong thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ, cũng như hướng đến hỗ trợ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Trước mắt, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long.

Sau buổi hội thảo này, sáng mai (14/7), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tục tổ chức buổi tham quan trình diễn thực tế trên đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững; đồng thời tổ chức hội nghị trao đổi về công tác thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững.