Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc

NDO - Ngày 16/10, hội thảo khoa học "Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm đề xuất quan điểm, định hướng giải pháp xây dựng phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần phục vụ hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, nhất là báo cáo chính trị trong thời gian sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại Hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhấn mạnh: Việc Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo "Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" hết sức có ý nghĩa. Một mặt, khẳng định vị thế tiên phong của Đại học Quốc gia Hà Nội trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Mặt khác, tạo cơ hội cho Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy các nguồn lực có sẵn và xây dựng, phát huy thế mạnh của đội ngũ nhà khoa học, cơ sở dữ liệu vật chất, mạng lưới đối tác quốc tế, doanh nghiệp, địa phương để cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và cung cấp luận cứ thực tiễn trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và định hướng Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và định hướng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Hội thảo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương làm đầu mối tổ chức thực hiện cùng sự tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giai đoạn tới. Theo đồng chí, cho đến nay, các báo cáo trình Đại hội XIV về cơ bản đã hoàn thành dự thảo, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn rất cần thiết phải tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo báo cáo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng nhắc lại chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII vừa qua: “Đối với Báo cáo chính trị, cần phải đạt tầm mức công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan, xu thế vận động mới của thời đại và thực tiễn đất nước; kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai; không quá dài, chỉ rõ những định hướng lớn để các cấp ủy, mọi đảng viên thấm nhuần và thực hiện; thật sự là “ngọn đuốc soi đường” dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ nguyên mới, sớm đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước…”.

Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc ảnh 3
GS Lê Quân phát biểu tại Hội thảo.

Để Hội thảo thiết thực góp phần phục vụ hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, nhất là Báo cáo chính trị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở sáu nhóm vấn đề cần thảo luận, phân tích sâu tại Hội thảo. Cụ thể:

1. Làm rõ thêm về xu hướng phát triển của cục diện thế giới và khu vực giai đoạn tới và những yêu cầu mới đặt ra đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm kỳ Đại hội XIII đã chứng kiến những diễn biến mới vô cùng phức tạp của tình hình thế giới. Những diễn biến tình hình vô cùng phức tạp đó vừa tạo ra những thời cơ, thuận lợi đi liền với nguy cơ, thách thức, sóng to, gió lớn, đòi hỏi phải chủ động dự báo, nhận diện đúng đắn những yêu cầu mới đặt ra đối với xác định quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn tới...

2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII đã đề ra định hướng chiến lược: "Phát triển nhanh và bền vững". Từ thực tiễn hiện nay, cần thảo luận, phân tích sâu một trong những vấn đề quan trọng, mang tính thời sự của xây dựng và hoàn thiện thể chế là: Tập trung bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống luật pháp; rà soát, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các thể chế; hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật trong từng thể chế và gắn kết hữu cơ giữa các thể chế với nhau thành một môi trường thể chế thống nhất hiệu quả, tạo thuận lợi phát triển nhanh và bền vững đất nước...

3. Đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh mới, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Theo đó, cần làm rõ hơn nội hàm của vấn đề chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, tài nguyên và lao động có kỹ năng thấp sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy và tích hợp các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

4. Về chấn hưng văn hóa, quản lý phát triển xã hội, xây dựng con người phát triển toàn diện, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thảo luận và đề xuất các định hướng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, hoán chuyển các giá trị văn hóa thành các giá trị phát triển; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa; hoàn thiện các chuẩn mực về hệ giá trị văn hóa, gia đình, con người Việt Nam trong giai đoạn mới...

5. Về những vấn đề trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, thảo luận, góp phần củng cố cơ sở khoa học cho các định hướng về giữ vững độc lập, tự chủ; xây dựng lực lượng vũ trang "tinh, gọn, mạnh", tạo tiền đề vững chắc để trở thành lực lượng vũ trang "chính quy, tinh nhuệ, hiện đại"; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước. Hoàn thiện các quan điểm về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, chú trọng các vấn đề bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng,...

6. Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tiếp tục làm rõ, sâu sắc hơn các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, các phương thức lãnh đạo của Đảng và các nhiệm vụ xây dựng Đảng, gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phù hợp với thực tiễn mới. Chú trọng làm rõ hơn nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiến lên. Làm rõ hơn nội hàm, góp phần đẩy mạnh thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"....

Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc ảnh 4
PGS, TS Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Với tinh thần trách nhiệm, khách quan, khoa học, Hội thảo đã có nhiều thảo luận, đề xuất có giá trị, thiết thực, phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác hoạch định đường lối của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá cao kết quả của Hội thảo với nhiều thông điệp quan trọng. Trong đó, thông điệp quan trọng nhất chính là con người là trung tâm, mang tính quyết định tương lai của đất nước. Bên cạnh đó là thông điệp về vai trò then chốt của khoa học công nghệ, như một lực lượng sản xuất mới, góp phần quyết định năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.