Thưa các đồng chí!
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 đã khẳng định những quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm của con người, đó là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Đây là những quyền cơ bản tạo nên phẩm giá con người mà trong mọi thời đại, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển thịnh vượng và trường tồn đều phải đặc biệt coi trọng và bảo đảm thực hiện.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng tiến bộ trong chủ nghĩa Tam dân của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đúc kết 6 chữ thiêng liêng “độc lập-tự do-hạnh phúc”, trở thành nguyện ước cao cả, khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam, đã được Bác tiếp cận rất sớm, ngay từ buổi đầu ra đời của nước Việt Nam mới, trở thành quốc hiệu và là tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh chống lại áp bức, bất công, xâm lược, giành lại độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, giải phóng con người, bảo vệ các quyền cơ bản của dân tộc và con người Việt Nam; trong đó có quyền tự do, bình đẳng, quyền của mỗi người Việt Nam được sống trong một đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất; quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam được lựa chọn xây dựng một xã hội mới: độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một nước đói nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển toàn diện con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các quyền con người cơ bản như: quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền về giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, các quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin đều đạt những tiến bộ quan trọng, nổi bật.
Báo cáo Phát triển Con người năm 2023-2024 của UNDP ghi nhận Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc về Chỉ số phát triển con người (HDI) từ đứng thứ 115 lên thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ; và Việt Nam, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao trong khu vực. Sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập.
Tuổi thọ trung bình năm 2022 ước đạt khoảng 73,6 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới (73 tuổi). Việc bảo đảm, bảo vệ quyền của trẻ em, bình đẳng giới, quyền của người khuyết tật, người cao tuổi, cộng đồng người dân tộc thiểu số và người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm, chăm lo và nhiều tiến bộ. Chỉ số về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã có nhiều bước tiến đáng kể. Đặc biệt Việt Nam là một trong số rất ít nước trên thế giới đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân.
Đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào đó, trước hết là nhờ Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm, đường lối, chủ trương và pháp luật về phát triển con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Điều này được khẳng định và thể hiện thống nhất, xuyên suốt trong những văn kiện quan trọng nhất của Đảng trong thời kỳ Đổi mới là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 dành hẳn một chương với 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Trên những nền tảng đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật cụ thể, mang lại những tác động tích cực, hiệu quả thiết thực trong thực tiễn đời sống; từng bước hình thành và hiện thực hóa mô hình phát triển rất đặc sắc của Việt Nam, đó là: phát triển lấy con người là trung tâm, bao trùm và bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, việc lấy con người là trung tâm trong hoạch định các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, gắn với tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, phát huy vai trò, giá trị quyền con người ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong cả nhận thức lý luận, thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật theo các nguyên tắc, tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.
Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước đang phát triển với nguồn lực đầu tư cho phát triển con người tương đối hạn chế; mức độ phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội vẫn còn doãng rộng; vẫn còn sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các vùng, khu vực địa lý và các nhóm dân cư. Việc triển khai các chính sách bảo trợ và an sinh xã hội còn khiêm tốn, nhất là với người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương. Chi phí cho các dịch vụ giáo dục, y tế và nhà ở vẫn còn là gánh nặng với một bộ phận lớn người lao động. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường trầm trọng đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vấn đề bình đẳng, trao quyền cho phụ nữ vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn gia tăng.
Những hạn chế nêu trên đang là rào cản lớn trong việc hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN) |
Thưa các đồng chí,
Quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp thu có chọn lọc quan điểm, cách tiếp cận chung của cộng đồng quốc tế, tại Đại hội XI, Đảng ta đã đề ra quan điểm lấy “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Đến Đại hội XIII, quan điểm đó đã được Đảng ta tiếp tục làm sâu sắc hơn, cụ thể hóa, trở thành một bài học vô cùng quý báu, đó là: “phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Từ chủ đề của Hội thảo hôm nay, tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng sau đây để các đồng chí cùng thảo luận:
(1)- Gắn kết chặt chẽ quan điểm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hài hoà với quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, làm cơ sở cho việc ban hành, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người. Theo đó, gắn sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam về đức, trí, thể, mỹ với các quyền con người được tôn trọng, đó là: phẩm giá, nhân cách, quyền được học tập, quyền về y tế, chăm sóc sức khỏe và quyền được hưởng cuộc sống hạnh phúc, ngày càng đầy đủ và tốt hơn cả về vật chất và tinh thần… Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người không chỉ về phương diện xây dựng năng lực mà còn là chìa khóa để phát huy đầy đủ sức mạnh nội sinh của mỗi người và mọi người, tạo nên sức mạnh của con người Việt Nam, sức mạnh của quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển.
(2)- Không chỉ đặt con người mà còn xác lập rõ hơn quyền con người được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển, con người có quyền tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển. Theo đó, phát triển được hiểu không chỉ trên phương diện phát triển kinh tế đơn thuần, mà còn là một phương tiện mở rộng lựa chọn quyền của mọi người nhằm đạt được trạng thái tồn tại thỏa đáng của con người về mặt trí tuệ, cảm xúc, đạo đức và tinh thần. Đối với cá nhân, cần bảo đảm sự toàn diện về thể chất và tinh thần theo các tiêu chí phát triển con người; đối với quốc gia, dân tộc đó là một tiến trình phát triển toàn diện hướng tới sự hưng thịnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh mà mục đích hướng tới là cải thiện không ngừng vì chất lượng cuộc sống, phúc lợi của toàn thể nhân dân và của tất cả các dân tộc cùng sinh sống; thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của con người, bảo đảm sự phân bổ công bằng các lợi ích thu được từ sự phát triển. Do đó, tiêu chí đánh giá sự thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, chính là con người được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và về môi trường, quốc phòng, an ninh, an toàn, v.v... Muốn hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, cần phải đặt quyền con người là trung tâm trong mọi chính sách, chương trình, kế hoạch và trong suốt quá trình phát triển.
(3)- Gắn kết chặt chẽ quyền tham gia và quyền thụ hưởng. Thực hiện tốt quyền tham gia và quyền thụ hưởng thành quả phát triển có ý nghĩa quyết định đối với việc hiện thực hóa quan điểm lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Quyền tham gia của nhân dân đã được khẳng định trong nhiều Văn kiện của Đảng. Quyền thụ hưởng đã chính thức được quy định tại Điều 7, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Thực hiện mô hình phát triển bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại ở phía sau có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm mọi người dân tham gia, mọi người dân hưởng lợi. Trong mục tiêu phát triển cần quán triệt quan điểm: lấy con người là trung tâm, vì mọi người và do con người, bảo đảm cơ hội cho mọi người dân tham gia, mọi người dân hưởng lợi. Trong phương thức phát triển, đó là phát triển không chỉ nhanh mà còn phải bền vững, gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Trong quản lý nền kinh tế, đó là phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nhân dân trong mọi mặt, mọi khâu của quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Với tinh thần khoa học, trách nhiệm, khách quan, tôi tin tưởng rằng, Hội thảo của chúng ta sẽ có những trao đổi thẳng thắn và tâm huyết, đề xuất được nhiều ý tưởng, kiến nghị thiết thực góp phần hoàn thiện lý luận của Đảng về phát triển con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong giai đoạn mới - giai đoạn đất nước bước vào khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, và ngay bây giờ là trực tiếp góp phần xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.