Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích kỹ lưỡng tình hình trong nước và thế giới, đồng thời nêu rõ cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm mà Đại hội XIII của Đảng đúc kết, trong đó nhấn mạnh phải nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Bản chất của chế độ xã hội ở Việt Nam là dân chủ; bảo đảm mọi người dân được thực hành dân chủ, đồng thời duy trì kỷ cương, thượng tôn pháp luật, nghiêm trị hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng chỉ rõ: “Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm... Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là một trong những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và xử lý tốt trong giai đoạn tới. Bởi đây là mối quan hệ rất quan trọng trong các mối quan hệ lớn, nó phản ánh bản chất của chế độ ta, là thuộc tính tự nhiên của Nhà nước pháp quyền XHCN. Tăng cường pháp chế đồng nghĩa với việc tăng cường xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, quản lý và điều hành xã hội bằng pháp luật để bảo đảm mọi lĩnh vực, mọi người dân đều được thực hiện quyền dân chủ theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, việc thực hành dân chủ của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới. Các cấp ủy, chính quyền tích cực lắng nghe, tăng cường đối thoại với nhân dân. Dân chủ trong Đảng, Nhà nước, trong các tổ chức xã hội được mở rộng, nâng cao. Hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên được chú trọng...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội đang gặp phải một số khó khăn, thách thức và hạn chế. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, thiếu ổn định; chất lượng của một số văn bản pháp luật chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn. Cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật hiệu quả chưa xây dựng được đầy đủ. Kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ và trong đời sống xã hội còn lỏng lẻo.
Ý thức tôn trọng pháp luật chưa trở thành thói quen của các tổ chức, cá nhân. Trong xã hội vẫn còn tình trạng coi thường pháp luật. Thực tiễn vẫn còn không ít hành vi vi phạm, cản trở hoặc hạn chế quyền làm chủ của nhân dân; lợi ích chính đáng của nhân dân nhiều lúc chưa được bảo vệ một cách đầy đủ. Trong khi đó, các thế lực thù địch lợi dụng những vụ việc phức tạp để kích động phong trào “bất tuân dân sự” hòng chuyển hóa mâu thuẫn, xung đột dân sự thông thường thành hành vi chống phá, đối đầu với chính quyền…
Vì vậy, để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta cần khẩn trương có giải pháp khắc phục hiệu quả những khó khăn, hạn chế nêu trên, nhất là cần chú ý tới một bộ phận nhân dân chưa ý thức đầy đủ, chưa nâng cao năng lực thực hành dân chủ của mình; trong khi đó năng lực thực thi pháp luật của một số cán bộ cũng còn hạn chế.
Đồng thời, chúng ta cần phải tăng cường nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng và vai trò của mối quan hệ thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; chú trọng việc nêu gương tuân thủ pháp luật, thực hành dân chủ XHCN của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tổ chức thực hiện tốt việc nhân dân tham gia góp ý kiến vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia từ khâu nêu sáng kiến, phản biện, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện nhằm bảo đảm những quyết định được đưa ra xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; nghiêm trị mọi hành vi xâm phạm quyền thực hành dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân. Cùng với đó, đổi mới công tác dân vận nhằm phát huy trách nhiệm của nhân dân tham gia ngày càng tốt hơn, nhiều hơn vào các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tích cực rà soát nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; tiếp tục cải cách tư pháp gắn với nâng cao năng lực thực thi pháp luật; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước.
TRẦN XUÂN VỊNH (Chi bộ Xóm 5, thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định)
-------------------------
Xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh
Vấn đề xây dựng thế trận lòng dân được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đậm nét trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”. Tổng Bí thư nêu rõ: Yêu cầu xuyên suốt và cũng là bài học cốt lõi dẫn đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam là xây dựng thế trận lòng dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát huy “xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân và xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc; tăng cường được tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước”.
Tính cố kết cộng đồng làng xã và lòng yêu quê hương đã là những yếu tố bảo đảm sự sống còn của dân tộc Việt Nam trước mọi thử thách từ thiên nhiên và nạn ngoại xâm. Tinh thần đoàn kết là nhân tố bền vững, kết thành sức mạnh vô biên của dân tộc Việt Nam để chiến thắng, vượt qua mọi gian nan thử thách trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Ý thức sâu sắc về quyền độc lập dân tộc cũng là đặc điểm quan trọng nhất làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định lẽ sống của người Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử, minh chứng bằng những cuộc đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm.
Trong thế kỷ 20, nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chiến đấu kiên cường, giành những chiến thắng oanh liệt, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Trong đó, quân đội (của) nhân dân nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, các đoàn kinh tế-quốc phòng đã tích cực, chủ động làm tốt công tác dân vận, xây dựng mối liên hệ bền chặt với nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Phát huy tinh thần “Quân với dân như cá với nước”, bộ đội đã chủ động đến với nhân dân, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân; tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân; phòng chống cháy rừng và thiên tai, tham gia cứu hộ, cứu nạn...
Các cán bộ, chiến sĩ quân đội đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, bám địa bàn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững mạnh, thực hiện “quân với dân một ý chí” bảo vệ Tổ quốc. Đó là những công việc thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp mà Quân đội nhân dân Việt Nam cần phát huy cao hơn nữa trong thời gian tới để “khó khăn nào cũng vượt qua”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc yêu cầu.
Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, ngày 3/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác dân vận, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn để phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an xây dựng địa bàn an toàn; không được để xảy ra các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.
Trong tình hình mới, song song với nỗ lực phát triển đất nước về mọi mặt, bảo đảm quốc phòng, an ninh luôn là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Lực lượng vũ trang cần quán triệt tinh thần: Phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; bảo đảm sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ đội luôn dựa vào dân, thực hiện phương châm “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh. Đó chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.
Đại tá HOÀNG VĂN TIẾN, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Không quân 918