Quà tặng cao cấp từ sản phẩm nông nghiệp Tam Đảo

NDO - Tại vùng đất Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều nông dân chân chất, ham học hỏi làm giàu đã sản xuất, chế biến ra những sản phẩm du lịch giá trị cao có nguồn gốc từ tự nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm du lịch mới của Tam Đảo được giới thiệu cho du khách.
Nhiều sản phẩm du lịch mới của Tam Đảo được giới thiệu cho du khách.

Các sản phẩm nấm sò, đông trùng hạ thảo, sữa chua, hoa trà hoa vàng, tinh bột nghệ… ngày càng được nhiều người biết đến, tiêu thụ cả trong nước và nước ngoài.

Những nông dân mê kinh doanh

Đi dọc chân dãy núi Tam Đảo, du khách thường được nghe những câu chuyện về sản phẩm trà hoa vàng. Một trong những nông dân cần cù chế biến ra sản phẩm hoa trà hoa vàng, đóng hộp sang trọng làm quà tặng là anh Trịnh Hoàng Trọng. Anh là người tiên phong trồng và chế biến loại trà quý hiếm này.

Trà hoa vàng là loại cây thân gỗ nhỏ, sống dưới tán rừng tự nhiên. Cây có nhiều lá xanh bóng, hoa to màu vàng rực rỡ, chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Con đường đến với cây trà của anh Trọng bắt đầu từ các chuyên gia Nhật Bản. Khi làm việc với người Nhật Bản, thấy họ rất quý trà hoa vàng, vốn chỉ được biết đến ở đất Quảng Ninh.

Nghe anh kể loại cây này có nhiều trong rừng Tam Đảo, thường mọc ở ven suối, dưới tán cây lớn, các chuyên gia Nhật Bản liền bay sang Tam Đảo tìm hiểu. Sau một thời gian nghiên cứu, người Nhật Bản khẳng định, hàm lượng saporin của trà hoa vàng Tam Đảo rất cao nhờ khí hậu mát lạnh đặc trưng, sau đó họ đặt hàng anh Trọng sản xuất.

Đến nay toàn huyện Tam Đảo có 12 sản phẩm OCOP đạt 3 sao do các công ty, hợp tác xã sản xuất, tất cả đều từ thiên nhiên.

Bắt đầu từ đó, anh Trọng ngày ngày gom nhặt từng cây trà trên núi, thu mua cây của dân. Đến nay anh sở hữu khoảng 8ha trà hoa vàng tại xã Tam Quan. Những cây trà nhiều tuổi có giá trị 20-30 triệu đồng.

Anh thành lập Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tam Đảo, mua máy móc để thực hiện sấy thăng hoa nhằm giữ nguyên màu sắc và dược chất của hoa trà. Khoảng 30% sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại Nhật Bản, còn lại được tiêu thụ trong nước như món quà tặng cao cấp của tỉnh Vĩnh Phúc.

Thấy được giá trị đặc biệt của loài thảo mộc này, nhiều người dân xã Tam Quan cũng di thực cây trà từ trên rừng về vườn nhà. Người dân tại thị trấn Đại Đình, các xã Đạo Trù, Tam Quan cũng cải tạo vườn để trồng trà hoa vàng. Do đó, diện tích trồng trà hoa vàng ngày càng tăng. Cây trà hoa vàng với 2 sản phẩm chính là lá và hoa nhanh chóng trở thành sản phẩm đặc trưng của vùng núi Tam Đảo.

Một nông dân khác là anh Nguyễn Quốc Huy ở thị trấn Hợp Châu lại say sưa với nấm sò và nấm đông trùng hạ thảo. Anh Huy thành lập hợp tác xã Nấm Tam Đảo năm 2009, sau đó đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Nhờ bảo đảm chất lượng, sản phẩm nấm và đông trùng hạ thảo Tam Đảo của anh Huy được tiêu thụ rộng rãi. Nhiều khách hàng ở xa đến tận cơ sở sản xuất của anh để tận mắt xem quy trình sản xuất, chế biến và mua sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, anh Huy rất chú trọng xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm.

 Quà tặng cao cấp từ sản phẩm nông nghiệp Tam Đảo ảnh 1

Anh Nguyễn Quốc Huy giới thiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo cho khách hàng.

Đến nay, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã đưa ra thị trường 20 sản phẩm các loại, gồm sản phẩm tươi, sản phẩm sấy thăng hoa, mật ong đông trùng hạ thảo, ký trùng nhộng, sản phẩm trà túi lọc, cốm hòa tan và đang nghiên cứu chế biến các loại bánh từ đông trùng hạ thảo.

Không chỉ dừng ở các sản phẩm chế biến thông thường mà hợp tác xã còn hợp tác với các doanh nghiệp khác để bào chế thành thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị một số bệnh.

Anh Huy chia sẻ: chỉ khi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng thì mới có thể đứng vững trên thị trường. Tam Đảo có tiềm năng lớn sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thành phần từ tự nhiên, do đó doanh nghiệp chỉ cần có đam mê và hướng đi đúng đắn thì sẽ thành công.

Sản phẩm du lịch đặc trưng

Huyện Tam Đảo sớm nhận thấy tiềm năng của các sản phẩm nông nghiệp và đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, thâm nhập thị trường.

Đến nay toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP đạt 3 sao do các công ty, hợp tác xã sản xuất, tất cả đều từ thiên nhiên. Đó là nấm sò và đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, các sản phẩm sữa chua và bánh sữa của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, hoa trà hoa vàng và trà túi lọc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà hoa vàng Tam Đảo, tinh bột nghệ và viên tinh bột nghệ mật ong rừng của Công ty cổ phần Công nghệ và Trà xanh Tam Đảo…

Cầm trên tay sản phẩm trà hoa vàng và nấm đông trùng hạ thảo, chị Phương Hoa từ Ba Đình, Hà Nội tấm tắc: "Tôi thật không ngờ những người nông dân chân chất lại có thể sản xuất được những món quà sang trọng và tinh tế như thế này. Sản vật Tam Đảo quả thật là phong phú".

Để phát triển kinh tế xanh, huyện Tam Đảo không khuyến khích sản xuất công nghiệp, vì thế các doanh nghiệp nhỏ có nhiều đất dụng võ.

Được biết, để phát triển kinh tế xanh, huyện Tam Đảo không khuyến khích sản xuất công nghiệp, vì thế các doanh nghiệp nhỏ có nhiều đất dụng võ.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tam Đảo Vũ Thị Bích Ngọc cho biết: hằng năm lãnh đạo huyện gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm thúc đẩy việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm bản địa. Huyện tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp ngay tại các điểm du lịch, các hội chợ, triển lãm, đem sản phẩm du lịch đặc trưng đến với du khách.

Một trong các tổ chức đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn là Hội Doanh nghiệp Tam Đảo với hơn 100 thành viên, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Hội vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện phương châm “sản phẩm nông nghiệp đi đôi với du lịch”, gắn sản xuất nông nghiệp với việc tạo ra các giá trị du lịch.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng tầm sản phẩm nông nghiệp theo chương trình mỗi xã 1 sản phẩm - OCOP; tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản sạch cho hệ thống nhà hàng, khách sạn. Một số sản phẩm nông sản của Tam Đảo đã phát triển thành các sản phẩm du lịch, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Anh Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Tam Đảo bày tỏ: muốn phát triển kinh tế xanh, phát triển du lịch thì tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo cần có những cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp nhỏ, chủ trang trại, hợp tác xã đầu tư, sản xuất nhiều hơn các sản phẩm du lịch có nguồn gốc nông nghiệp. Trên hết, các doanh nghiệp, hợp tác xã của Tam Đảo cần vươn lên để tạo ra giá trị riêng cho sản phẩm của mình.