Tam Đảo giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế

So với các địa phương khác của tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo có diện tích đất tự nhiên khá lớn, song đất lâm nghiệp chiếm tới 63,44%, diện tích đất phục vụ sản xuất kinh doanh không nhiều.
0:00 / 0:00
0:00
Cưỡng chế công trình vi phạm tại thị trấn Đại Đình.
Cưỡng chế công trình vi phạm tại thị trấn Đại Đình.

Để có quỹ đất phát triển kinh tế, huyện tìm giải pháp sử dụng có hiệu quả diện tích đất phi nông nghiệp 3.175ha, trên cơ sở tháo gỡ ách tắc về đất đai, xử lý vi phạm đất đai, giải phóng và phát huy tối đa nguồn lực đất đai trong điều kiện mới.

Tháo gỡ điểm nghẽn đất đai

Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tam Đảo nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều điểm nghẽn lớn liên quan đến đất đai đã được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện tập trung giải quyết. Nổi bật là việc tháo gỡ ách tắc một số dự án chậm triển khai do vướng giải phóng mặt bằng.

Điểm lại hàng loạt dự án được khai thông trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đinh Văn Mười tâm đắc: Có những dự án phải mất nhiều năm mới giải phóng mặt bằng được, như tuyến đường 2B lên thị trấn Tam Đảo, dự án đường vành đai phía đông huyện lỵ Tam Đảo, hay dự án Trường Trung học cơ sở Đại Đình. Đến nay, huyện cơ bản giải quyết xong những ách tắc về giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm huyện giải phóng mặt bằng xong 78% diện tích theo chỉ tiêu tỉnh giao năm 2022. Để công tác giải phóng mặt bằng các dự án theo đúng kế hoạch, toàn huyện tập trung vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân, đồng thời cương quyết thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp chây ỳ.

Làm rõ hơn nội dung này, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Nguyễn Đức Công chia sẻ: Một số dự án phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2B, giải tỏa 34 hộ tại thôn Tích Cực, thị trấn Hợp Châu. Nay tuyến đường thông suốt, cảnh quan hai bên rất đẹp, an toàn giao thông được bảo đảm. Đời sống của các hộ tái định cư cũng tốt hơn do nhiều hộ chuyển đổi nghề thành công.

Ông Công nêu một số giải pháp để thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, định kỳ hằng quý, Ban Quản lý dự án tập huấn cho cán bộ, nhất là cán bộ mới; ban hành bộ thủ tục mẫu về tổ chức thu hồi đất, bồi thường. Cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng phải nắm vững các quy định để giải thích ngay cho dân hiểu. Khó nhất là thực hiện các dự án phải di dân tái định cư. Kinh nghiệm của huyện là phải xin ý kiến người dân về vị trí tái định cư trước khi triển khai. Tất cả các hộ dân liên quan đều được phát biểu ý kiến. Các cuộc họp dân quyết định theo đa số và mọi người đều phải ký vào biên bản. Cách làm này tạo đồng thuận cao khi triển khai các dự án.

Đối với việc xử lý vi phạm liên quan đến đất đai, Phó Phòng Tài nguyên-Môi trường Phan Đình Huy cho biết: Đầu năm đến nay có 12 vi phạm mới phát sinh đều được giải quyết ngay tại cơ sở. Các xã, thị trấn cũng giải quyết dứt điểm 19 vi phạm cũ. Huyện cơ bản hoàn thiện hạ tầng đối với 16 khu đất dịch vụ, chuẩn bị bàn giao cho dân.

Quá trình xử lý vi phạm đất đai chưa bao giờ dễ dàng, chính vì vậy lãnh đạo huyện yêu cầu cấp xã phải hành động quyết liệt. Từ thực tế triển khai công việc tại địa phương, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Hợp Châu chỉ ra những khó khăn: Mỗi lần tiến hành cưỡng chế thu hồi đất là lại có đơn thư tố cáo cán bộ “hủy hoại tài sản”. Hoạt động cưỡng chế gặp khó khăn từ kinh phí, cơ chế đến lực lượng thực thi. Khi tổ chức cưỡng chế, thị trấn hạn chế sử dụng người và phương tiện tại địa phương vì nể nang quen biết khó làm. Có lúc, thị trấn phải thuê phương tiện cưỡng chế ở các xã khác.

Dành đất cho phát triển du lịch và công nghiệp

Tính đến ngày 1/6/2022, toàn huyện còn 368 vụ việc tồn tại, vi phạm đất đai chưa được xử lý giải quyết dứt điểm, với diện tích 6,81ha. Phức tạp nhất là 201 trường hợp vi phạm trên đất nông lâm trường quản lý trước đây, với diện tích 4,47ha.

Với quyết tâm giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội, chuẩn bị mặt bằng xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm du lịch, dịch vụ, huyện Tam Đảo phấn đấu đến hết năm 2024 giải quyết xong các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai đã tồn tại từ trước.

Tam Đảo giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế ảnh 1
Quốc lộ 2B lên thị trấn Tam Đảo được nâng cấp, mở rộng.

Trong năm 2022, các xã, thị trấn giải quyết xong các trường hợp thu tiền sử dụng đất nhưng chưa giao đất; xử lý các trường hợp vi phạm trên đất đã giao cho các tổ chức quản lý, sử dụng; các trường hợp tự ý san gạt, hạ cốt xây dựng nhà, lán, trại trên đất rừng đặc dụng, các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích trên đất rừng sản xuất. Các xã, thị trấn phải hoàn thiện 526 hồ sơ đề xuất ban hành quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân,

Những tháng đầu năm, Ủy ban nhân dân huyện ban hành 16 văn bản chỉ đạo các loại để đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm, tồn tại đất đai và đất dịch vụ. Đồng thời, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện nay, Tam Đảo đang triển khai 25 dự án gồm 11 dự án chuyển tiếp và 14 dự án mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho các dự án giao thông như: đường nối Tây Thiên đến khu du lịch Bến Tắm, đường nối cầu Đồng Dầu với đường Hợp Châu-Đồng Tĩnh, đường từ đường Hợp Châu-Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên… Đồng thời, huyện khẩn trương triển khai xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án Khu công nghiệp Tam Dương II, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 5 và một số dự án khác. Tuyến đường ven chân núi Tam Đảo và đường lên khu Tam Đảo 2 đang cũng đang được giải phóng mặt bằng và thi công. Khi hoàn thành, hệ thống giao thông ngang dọc góp phần định hình khung đô thị Tam Đảo, thúc đẩy phát triển du lịch ở tất cả các xã, thị trấn.

Nhìn về tương lai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đinh Văn Mười cho biết, Tam Đảo dành quỹ đất lớn để thu hút đầu tư. Theo Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, dự kiến sẽ có 3.383ha đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp; chuyển 52,38ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở. Đến năm 2030, Tam Đảo có thêm 197,8ha đất khu công nghiệp, 170ha đất cụm công nghiệp và 584,6ha đất thương mại dịch vụ, gấp nhiều lần so với diện tích đất dành cho sản xuất kinh doanh hiện nay. Tấc đất tấc vàng, nếu biết chắt chiu sử dụng đất có hiệu quả, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, tạo sức bật phát triển kinh tế.