Ngày 13/11, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, giá dầu tháng 10 giảm so với tháng 9, giá bình quân các loại sản phẩm xăng dầu tháng 10 đều giảm từ 4% - 10% so với tháng 9; biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh; huy động khí cho sản xuất điện thấp, vấn đề tiêu thụ khí, LNG hết sức khó khăn; huy động điện khí cũng rất thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện, suất hao nhiệt cao; tiêu thụ phân bón khó do thừa cung và vụ mùa vào chậm hơn so với cùng kỳ,…
Trong bối cảnh tác động khá tiêu cực của các yếu tố vĩ mô, thị trường, PVN đã nỗ lực, linh hoạt trong quản trị, điều hành, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, an toàn, liên tục; tiếp tục đạt kết quả khả quan, tăng trưởng so với tháng 9.
Cụ thể, sản lượng khai thác dầu 10 tháng đạt 8,7 triệu tấn, vượt 13,1% kế hoạch (riêng tháng 10 đạt 0,85 triệu tấn, vượt 4,2% kế hoạch); sản lượng khai thác khí đạt 6,38 tỷ m3, vượt 9,7% kế hoạch (riêng tháng 10 đạt 0,62 tỷ m3, vượt 4,6% kế hoạch); sản xuất điện đạt 19,54 tỷ kWh, vượt 1,7% kế hoạch, tăng 46,2% so với cùng kỳ (tháng 10 đạt 1,91 tỷ kWh, vượt 2,4% kế hoạch); sản xuất đạm đạt 1,46 triệu tấn, vượt 5,9% kế hoạch (tháng 10 đạt 161,8 nghìn tấn, vượt 9,6% kế hoạch); sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 6,08 triệu tấn, vượt 10% kế hoạch năm, về đích trước hai tháng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Với nỗ lực duy trì sản xuất ở mức cao, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn vượt cao so với kế hoạch. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 745 nghìn tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm, về đích trước hai tháng (riêng tháng 10 đạt 87,2 nghìn tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch); nộp ngân sách (không bao gồm NSRP) đạt 121 nghìn tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch năm, về đích trước năm tháng (tháng 10 đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, vượt hai lần kế hoạch).
Trong tháng 10, đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của PVN. Đặc biệt, ngày 30/10/2023, PVN cùng các đối tác ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn; đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm.
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí; có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỷ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho bốn nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW; có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, ngày 29/10, Petrovietnam và PVGas đã tổ chức khánh thành Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm. Đây là kho LNG đầu tiên, lớn nhất Việt Nam, đánh dấu một bước đột phá của PVN trong việc thực hiện thành công đa dạng hóa sản phẩm, năng lượng mới, mở rộng thị trường trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia,...
Trước đó, ngày 12/10 và 16/10/2023, PV Power cùng các tổng thầu đưa máy phát điện và turbine khí Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào bệ móng. Cột mốc này rất quan trọng đối với dự án điện LNG đầu tiên của đất nước, nhằm bảo đảm tiến độ phát điện thương mại (COD) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào quý IV/2024 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào quý II/2025;…
Đánh giá về kết quả hoạt động của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, hầu hết các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức rất cao so với kế hoạch được giao, chỉ còn một chỉ tiêu là doanh thu Công ty mẹ dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11 này.
Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục kiên định các mục tiêu quản trị đề ra từ đầu năm, đặc biệt là việc mở rộng quy mô, tăng doanh thu để tạo đà cho tái tạo mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, dự báo vĩ mô, thị trường để đưa vào kế hoạch, công tác quản trị, điều hành; tập trung gia tăng sản lượng, bảo đảm an toàn hoạt động; bảo đảm độ khả dụng của các nhà máy điện và sản lượng điện, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế,...