Mở rộng quy mô, thúc đẩy tăng trưởng dầu khí

Tính đến hết tháng 8, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã “cán đích” kế hoạch cả năm ở hai chỉ tiêu quan trọng là nộp ngân sách và lợi nhuận hợp nhất trước thuế. Nhằm duy trì sản xuất và tận dụng cơ hội những tháng cuối năm, các doanh nghiệp dầu khí tiếp tục kiên định, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, qua đó mở rộng quy mô, tăng tốc tái tạo mô hình kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Giàn khoan dầu khí của Vietsovpetro.
Giàn khoan dầu khí của Vietsovpetro.

Theo báo cáo của PVN, mặc dù xuất hiện yếu tố tích cực khi giá dầu tăng so với tháng trước, nhưng thị trường hiện tồn tại nhiều biến động khó lường, nhất là giá phân bón giảm sâu, huy động điện thấp,... đã tác động tiêu cực hoạt động của các doanh nghiệp.

Gia tăng sản xuất

Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phải đối diện với rất nhiều khó khăn trước biến động tiêu cực của thị trường, nhất là ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị tại một số nước trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí nguyên vật liệu tăng cao...

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường dầu mỏ, đơn vị đã chủ động, linh hoạt trong việc tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, công suất vận hành trên cơ sở cung cầu của thị trường cũng như tăng cường công tác điều độ nhập dầu thô và xuất bán sản phẩm; đẩy mạnh kiểm soát, tối ưu chi phí nhằm bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính đến ngày 15/9, tổng sản lượng sản xuất của đơn vị đạt hơn 5,15 triệu tấn, đạt 130% kế hoạch, bằng 91,6% kế hoạch năm; sản lượng tiêu thụ khoảng 4,93 triệu tấn, bằng 87,7% kế hoạch năm; tổng doanh thu hơn 98,6 nghìn tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm; nộp ngân sách hơn 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch năm.

Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương

Trong tám tháng qua, công ty đã tiết giảm chi phí hơn 170,2 tỷ đồng, đạt 75,3% so với kế hoạch đề ra. Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn và liên tục. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, phân tích dự báo giá dầu mỏ, tín hiệu cung cầu từ thị trường để có các giải pháp ứng phó cũng như đa dạng hóa sản phẩm nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cũng trong tám tháng qua, Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, thách thức. Giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường tiếp tục có nhiều biến động do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga-Ukraine, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên sự nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, người lao động đã giúp đơn vị hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu.

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu/condensate đạt hơn 2,03 triệu tấn, đạt 103,7%, vượt 72 nghìn tấn so với kế hoạch; khai thác khí thiên nhiên 50,3 triệu m3, đạt 129,5%, vượt 11,5 triệu m3 so kế hoạch; tổng doanh thu bán dầu khí đạt hơn 1,32 tỷ USD, vượt 242,2 triệu USD so kế hoạch; nộp ngân sách 735,6 triệu USD, vượt 211,7 triệu USD so kế hoạch; lợi nhuận hai phía đạt 255,2 triệu USD, vượt 98 triệu USD, đạt 162,3% kế hoạch.

“Những tháng cuối năm, Vietsovpetro tiếp tục triển khai các giải pháp và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số để tối ưu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thành sớm các dự án cũng như điều chỉnh tăng tiến độ các dự án nhằm gia tăng sản lượng dầu khí, đáp ứng nhu cầu thị trường”, đại diện của Vietsovpetro khẳng định.

Hạn chế yếu tố bất lợi

Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) Trần Hồng Nam cho biết: Tính đến hết tháng 8, đơn vị đã nộp ngân sách hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, về đích sớm chỉ tiêu cả năm trước năm tháng. Do triển khai các giải pháp nhằm tối ưu công tác quản lý và khai thác mỏ, duy trì lưu lượng khai thác các giếng tối đa trong ngưỡng an toàn cũng như áp dụng linh hoạt các giải pháp thích ứng với thị trường đã giúp đơn vị hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu.

Tổng sản lượng khai thác dầu khí trong tám tháng qua đạt 2,43 triệu tấn quy dầu, đạt 114% kế hoạch; sản lượng khí bán 803 triệu m3, đạt 125% kế hoạch; tổng doanh thu hơn 26,1 nghìn tỷ đồng, đạt 136% kế hoạch; nộp ngân sách hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, về đích sớm so với kế hoạch cả năm.

Cũng theo ông Trần Hồng Nam, trong công tác phát triển mỏ, đơn vị tiếp tục tập trung kiểm soát và thúc đẩy tiến độ phát triển tại các dự án trọng điểm để bảo đảm mục tiêu FO/FG các dự án trong năm 2024-2025 và các năm tiếp theo.

Số liệu thống kê của PVN cho thấy, tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn tập đoàn đạt 7,06 triệu tấn, vượt 14,5%; sản xuất đạm đạt 108 nghìn tấn, vượt 5,2%; sản xuất điện đạt 1,07 tỷ kW giờ, vượt 4,2%; sản xuất xăng dầu đạt 4,8 triệu tấn, vượt 29,4% kế hoạch;... tổng doanh thu đạt 575,8 nghìn tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch, bằng 85% kế hoạch năm; nộp ngân sách đạt 90,5 nghìn tỷ đồng, về đích trước năm tháng và vượt 16% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt 8% kế hoạch năm.

Đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định: Trong bối cảnh thị trường đầy biến động, PVN đã nỗ lực triển khai các giải pháp quản trị, gia tăng sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh để hạn chế tác động từ các yếu tố bất lợi, qua đó, giúp tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu được giao từ 3 đến 29%.

Công tác an ninh, an toàn trên các nhà máy, công trình được bảo đảm, các hoạt động sản xuất được triển khai một cách xuyên suốt; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất cao hơn 110% góp phần cung cấp ổn định các sản phẩm xăng dầu cho thị trường, nhất là trong thời gian Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng tổng thể.