PVEP nộp ngân sách hơn 18,1 nghìn tỷ đồng

NDO - Công tác thăm dò, thẩm lượng của PVEP đã có kết quả ấn tượng khi toàn bộ 4 giếng khoan thăm dò cho dòng thành công, với 3 phát hiện dầu khí mới; trong đó, đã có phát hiện đưa vào khai thác ngay, gia tăng trữ lượng đạt 3,72 triệu tấn quy dầu.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động Cửu Long JOC.
Người lao động Cửu Long JOC.

Ngày 21/12, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cho biết, năm 2023, đơn vị đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Trong đó, chỉ tiêu gia tăng trữ lượng về đích trước 50 ngày, sản lượng khai thác dầu khí quy đổi về đích trước 41 ngày, các chỉ tiêu tài chính về đích sớm từ 104 đến 227 ngày.

Cụ thể, sản lượng khai thác quy dầu đạt 3,66 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch và đạt 100% mục tiêu quản trị. Năm 2023 là năm thứ 14 liên tiếp PVEP hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác hằng năm được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao. Trước đó, ngày 8/2/2023, đơn vị đạt mốc sản lượng khai thác 1 tỷ thùng, Mỏ Bir Seba (Lô 433a&413b) đạt mốc 50 triệu thùng dầu trong năm 2023, Lô 01/97&02/97 đạt mốc 10 triệu thùng dầu vào ngày 22/11/2023.

Công tác thăm dò, thẩm lượng của PVEP đã có kết quả ấn tượng khi toàn bộ 4 giếng khoan thăm dò cho dòng thành công, với 3 phát hiện dầu khí mới; trong đó, đã có phát hiện đưa vào khai thác ngay, gia tăng trữ lượng đạt 3,72 triệu tấn quy dầu, đây cũng mức gia tăng trữ lượng trong năm cao nhất của PVEP từ năm 2016 đến nay.

PVEP cũng triển khai tích cực công tác phát triển tại các dự án trọng điểm như Đại Hùng Pha 3, Sư Tử Trắng Pha 2B, chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh, mỏ BRS pha 2 và mỏ MOM (Lô 433a&416b) cùng một số dự án trọng điểm khác.

PVEP nộp ngân sách hơn 18,1 nghìn tỷ đồng ảnh 1
Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam kiểm tra tình hình hoạt động tại các dự án.

Tổng doanh thu phần PVEP đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch và 122% mục tiêu quản trị; nộp ngân sách hơn 18,1 nghìn tỷ đồng, trong đó, nộp thuế phần PVEP 12,3 nghìn tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch và 107% mục tiêu quản trị, lãi nước chủ nhà 5.790 tỷ đồng. Các chỉ số tài chính ngày càng được cải thiện, duy trì chính sách tài chính để phát triển bền vững, chỉ số sinh lời của tài sản (ROA) >10%, chỉ số khả năng sinh lời (ROE) >15%, chỉ số lợi nhuận ròng (ROS) >15%,…

Trong năm qua, phong trào sáng kiến, sáng chế của đơn vị đã đóng góp 395 sáng kiến trong chương trình 1 triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với tổng giá trị làm lợi đạt 100 triệu USD. Bên cạnh đó, PVEP đã chuyển đổi và áp dụng thành công mô hình quản trị tiền lương gắn với hiệu quả công việc, qua đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận định, năm 2024, kinh tế, thị trường thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành dầu khí. Do đó, PVEP cần đặt ra các mục tiêu áp lực hơn so với năm 2023 để có động lực tăng trưởng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Tập đoàn cũng như đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Để làm được điều đó, PVEP cần đổi mới công tác quản trị, cũng như đổi mới các động lực cũ, áp dụng khoa học công nghệ, sáng kiến sáng chế nhằm cải thiện nâng cao hiệu quả, sản lượng của các mỏ đang hiện hữu. Bên cạnh đó, cần phải tạo động lực mới bằng cách thúc đẩy phát triển các dự án mới, đẩy nhanh tiến độ các dự án trong điều kiện kỹ thuật cho phép; nghiên cứu giải pháp tổ hợp các dự án để có phương án đầu tư phù hợp,…