Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là xu thế tất yếu khách quan, sẽ diễn ra toàn diện trong mọi mặt đời sống và trên phạm vi toàn cầu.
Nhận thức rõ về những lợi ích mà chuyển đổi số đem lại, PVEP luôn xác định chuyển đổi số là điều kiện cần để doanh nghiệp thành công hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, lãnh đạo PVEP thường xuyên cập nhật và tiếp cận các xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động và chỉ đạo kịp thời để đưa các sáng kiến chuyển đổi số là một phần trong chiến lược sản xuất kinh doanh của PVEP.
PVEP là doanh nghiệp tiên phong trong ngành dầu khí về ứng dụng công nghệ, công nghệ số trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (E&P). PVEP đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ trong các hoạt động thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu số với các chủ đề như: Trí tuệ nhân tạo (AI); máy tự học (machine learning); Internet vạn vật (IoT); lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data); điện toán đám mây (Cloud Computing); quản lý và chuyển giao nhiều giải pháp công nghệ cho các ban, đơn vị.
Nằm trong chiến lược phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) về chuyển đổi số, PVEP đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số theo Quyết định số 1124/QĐ-TDKT ngày ngày 5/11/2021. Ngay sau khi thành lập, tổ giúp việc đã nghiên cứu, tham khảo và xây dựng dự thảo đề cương đề án chuyển đổi số tại PVEP.
Ngày 12/4/2022, PVEP đã họp Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và Đề án ERP của PVEP. Lãnh đạo PVEP đã quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và Đề án ERP của PVEP theo Quyết định số 469/QĐ-TDKT ngày 23/5/2022.
Tổ giúp việc triển khai chuyển đổi số đã xây dựng đề cương đề án chuyển đổi số, danh mục các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 để trình lãnh đạo PVEP phê duyệt.
Hiện tại, PVEP đang từng bước triển khai các đề án chuyển đổi số với định hướng ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: Quản trị, điều hành chung; tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí bao gồm Surface và Subsurface; các lĩnh vực quản lý khác như: khoa học công nghệ, an toàn và môi trường, quản lý dự án dầu khí, kế hoạch đầu tư, tài chính kế toán và quản trị nguồn nhân lực.
Với việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, PVEP đang xem xét nghiên cứu nhiều giải pháp công nghệ kết hợp cải tiến các quy trình hoạt động điều hành, nhằm hướng tới việc xử lý công việc trên nền tảng Internet tiệm cận với thời gian thực, bảo đảm tính kết nối dữ liệu giữa các dự án dầu khí và bộ máy điều hành PVEP, trao đổi thông tin thông suốt với Petrovietnam, đồng thời bảo đảm an toàn và bảo mật.
PVEP cũng thực hiện tốt hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số, số hóa các tài liệu dạng giấy sang nhiều dạng tập tin khác nhau như: pdf, jpg, bmp, tif và các thông tin trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu... Các nguồn dữ liệu đều được nhập và quản lý thông qua các hệ thống phần mềm của PVEP, qua đó dễ dàng quản lý và điều hành, giảm thiểu không gian lưu trữ, bảo quản và duy trì tuổi thọ của tài liệu, tiết kiệm thời gian tìm kiếm, chia sẻ thông tin dễ dàng, tiết kiệm chi phí quản lý và cho phép chỉnh sửa dữ liệu linh hoạt.
Đặc biệt, từ năm 2020 trở lại đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành sản xuất kinh doanh, PVEP đã khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ số, duy trì an toàn, hiệu quả các hoạt động suốt giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội như: Tiến hành họp trực tuyến thông qua MS Team, họp bàn và thực hiện bỏ phiếu trực tuyến đối với công tác cán bộ; khai thác các ứng dụng đám mây để triển khai các văn bản công việc hằng ngày; áp dụng các ứng dụng QR code tài liệu cho các cuộc họp trực tuyến bảo đảm nội dung được bảo mật, thuận tiện cho người sử dụng.
Trong giai đoạn tới, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, PVEP sẽ nghiên cứu triển khai một số giải pháp: Triển khai hệ thống ERP; nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu thăm dò, khai thác; triển khai hệ thống Cluster, Private Cloud cho các ứng dụng E&P, số hóa tài liệu và xây dựng các cơ sở dữ liệu về đầu tư và quản lý dự án; triển khai hệ thống ECM (Enterprise Content Management), nâng cấp cải tạo hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, bảo mật...
Bên cạnh đó, PVEP đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số của cán bộ nhân viên, từng bước xây dựng văn hóa số, phong cách làm việc trong môi trường số của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là công việc quan trọng, thiết thực không chỉ với những doanh nghiệp lớn mà cả đối với quốc gia. Thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi của Petrovietnam và PVEP là doanh nghiệp chủ lực của Petrovietnam. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, PVEP xác định phải luôn tiên phong triển khai các giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả, mang lại lợi ích lớn nhất cho PVEP, cho Petrovietnam, góp phần vào thành công chung của chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
PVEP đang từng bước triển khai các đề án chuyển đổi số với định hướng ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: Quản trị, điều hành chung; tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí bao gồm Surface và Subsurface; các lĩnh vực quản lý khác như khoa học công nghệ, an toàn và môi trường, quản lý dự án dầu khí, tài chính kế toán và quản trị nguồn nhân lực.