Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên từng bước phát triển, các hộ dân tiếp cận khoa học-kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nuôi trồng, mua bán nhỏ góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tạo điều kiện tăng thu nhập. Tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố và phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được ổn định, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển.
Đồng bào luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; không nghe các đối tượng xấu, các thế lực thù địch xúi giục, kích động. Các địa phương trong khu vực triển khai thực hiện các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ các mô hình sinh kế, thiết bị thiết yếu cho các hộ nghèo; giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo mua máy móc, nông cụ, phân bón, con giống để đầu tư sản xuất.
Chính quyền các cấp tăng cường vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều cơ quan hữu quan chung tay tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào như thổ cẩm, rượu cần, đồ đan lát; nhất là vận động đồng bào giữ đất sản xuất, không chuyển nhượng để có sinh kế làm ăn lâu dài.
Các địa phương cũng hỗ trợ đồng bào khó khăn xây dựng nhà ở; trên địa bàn Tây Nguyên cơ bản xóa nhà tạm. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tích cực hưởng ứng các cuộc vận động lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh công tác dạy nghề, bảo trợ xã hội; bảo vệ rừng và môi trường, ứng phó và giảm tác động của biến đổi khí hậu…