Ứng dụng công nghệ cao tạo giá trị cho nông sản

Nghị quyết số 12/NQ-HÐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Ðắk Nông về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp người dân, doanh nghiệp ở địa phương có cơ hội đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ðiều này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm của Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Ðắk Nông đều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.
Nhờ sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm của Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Ðắk Nông đều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (huyện Ðắk Song) được thành lập vào năm 2018, lúc đầu chỉ với 35 thành viên, đến nay Hợp tác xã đã tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ với 200 thành viên, trên diện tích gần 1.000 ha.

Sau liên kết, toàn bộ các thành viên đều được hợp tác xã tập huấn quy trình canh tác tiêu hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao; biện pháp kiểm soát môi trường; chuyển đổi từ sử dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ sang sản xuất xanh-sạch theo hướng hữu cơ bền vững.

Việc sử dụng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường; quy trình thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch được áp dụng các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn..., cho nên tạo ra sản phẩm hữu cơ giá trị cao, với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đầu ra ổn định trên thị trường.

Hiện nay, quy trình sản xuất và các sản phẩm từ hạt tiêu của hợp tác xã đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế; trong đó, có 195,6 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU, JAS, Canada và chứng nhận sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ quốc gia OCOP 3 sao.

Hằng năm, hợp tác xã duy trì việc đánh giá chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Control Union với 150 ha tiêu hữu cơ Việt Nam. Mỗi năm hợp tác xã xuất khẩu từ 200-300 tấn hồ tiêu hữu cơ. Chất lượng sản phẩm đạt giá trị cao, được thị trường trong nước và thế giới đón nhận, giá trị sản phẩm tăng gấp hai lần.

Từ năm 2022, Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Ðắk Nông, xã Ðắk Nia (thành phố Gia Nghĩa) bắt đầu xây dựng 2 khu nhà màng rộng hơn 4.500m2 chuyên trồng dưa lưới, dâu tây, dưa leo, hoa, các loại rau.

Ngoài nhà màng, công ty đầu tư thêm hệ thống tưới nước, bón phân tự động 100%; các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, dưỡng chất... trong vườn cây đều được kiểm soát bằng thiết bị cảm biến. Các chỉ số về dinh dưỡng trong nước, độ PH đều được đo hằng ngày bằng các thiết bị hiện đại.

Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Ðắk Nông Bùi Thị Khánh Hòa cho biết, việc sử dụng công nghệ để kiểm soát các yếu tố tác động đến quá trình cây trồng phát triển đã giúp đơn vị giảm rủi ro về thời tiết, sâu bệnh. Hiệu quả sản xuất của công ty hầu như đều đạt tối đa.

Trong đó, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp công ty hầu như không cần dùng tới sức người và không phụ thuộc vào thời tiết.

Hiện nay, các công đoạn chăm sóc cây trồng được điều khiển qua hệ thống máy móc hiện đại. Trong quá trình chăm sóc, nếu xảy ra hiện tượng bất thường, máy sẽ báo về app trên điện thoại và sẽ được nhân viên phụ trách kiểm tra, xử lý nhanh chóng.

Từ 2 ha mô hình khảo nghiệm năm 2010, đến nay mắc-ca đang dần trở thành cây trồng chủ lực của Ðắk Nông với khoảng 3.500 ha. Nhận thấy tiềm năng, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn và giá trị dinh dưỡng từ hạt mắc-ca, nhiều cơ sở ở huyện Tuy Ðức đã đầu tư thiết bị chế biến sâu hạt mắc-ca cung cấp cho thị trường.

Huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã sản xuất và thu mua hạt mắc-ca ở xã Quảng Trực, hai sản phẩm hạt mắc-ca sấy khô của hai cơ sở chế biến trên địa bàn được chứng nhận OCOP 3 sao. Huyện đã có 70 ha mắc-ca của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ðắk Nông lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, nông nghiệp là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài.

Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được quan tâm đúng mức, việc áp dụng công nghệ ngày càng rộng rãi trong quá trình sản xuất. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 12 về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp thay đổi về nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi về cách nghĩ, cách làm nông nghiệp, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao. Nhiều loại giống mới được đưa vào sản xuất.

Các doanh nghiệp, người dân ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Những năm qua, tỉnh Ðắk Nông ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều chính sách kịp thời, tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp vươn tầm, hội nhập.

Cùng với nâng tầm chất lượng, tỉnh tập trung vào các mục tiêu mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng nông sản; chú trọng phát triển chế biến và xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; khuyến khích chủ động liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp để phát triển thị trường, hướng tới hình thành chuỗi, bảo đảm tính bền vững.

Tính đến đầu năm 2025, Ðắk Nông có hơn 95.000 ha các loại cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao như giống mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất chứng nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến…, với tổng sản lượng hằng năm ước đạt hơn 420.000 tấn.

Tỉnh đã kêu gọi được 7 nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời triển khai hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhất là việc sử dụng các giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng, kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt,… góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó nâng cao giá trị nông sản, tạo điều kiện để nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao của tỉnh có cơ hội hội nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ðến nay, Ðắk Nông đã công nhận được 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với 3.556 ha gồm: vùng sản xuất cà-phê tại xã Thuận An, huyện Ðắk Mil; 2 vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh, huyện Ðắk Song; vùng sản xuất lúa tại Buôn Choáh, huyện Krông Nô; vùng xoài Ðắk Gằn, huyện Ðắk Mil; vùng sản xuất cà-phê Nam Bình, huyện Ðắk Song và vùng sản xuất cà-phê Nâm Nung, huyện Krông Nô. Về vùng trồng xuất khẩu, Ðắk Nông hiện có 47 mã số, với 37 vùng trồng; 10 mã số cơ sở đóng gói...

Từ năm 2020 đến nay, Ðắk Nông đã thu hút được 28 dự án chăn nuôi heo quy mô lớn, với tổng đàn hơn 500.000 con. Các dự án này đều áp dụng các công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi như áp dụng mô hình chuồng lạnh, chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, quản lý đàn vật nuôi qua các thiết bị giám sát…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 564 trang trại chăn nuôi, trong đó có 313 trang trại chăn nuôi heo, 75 trang trại chăn nuôi gia cầm, 176 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu trong nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông Lê Trọng Yên, Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo nền tảng vững chắc để nông nghiệp Ðắk Nông chuyển mình từ một tỉnh có nền nông nghiệp truyền thống, đến nay đã trở thành điểm sáng của nông nghiệp hiện đại ở Tây Nguyên.

Với những kết quả đạt được, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Ðắk Nông đang mở ra cơ hội lớn, tạo đột phá và hướng đến phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, đưa nông sản của địa phương hội nhập thị trường trong nước và quốc tế.

Thời gian tới, Ðắk Nông tiếp tục lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm động lực để phát triển ngành nông nghiệp. Ðây cũng là lĩnh vực tỉnh đang tạo điều kiện, nghiên cứu chính sách để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, với phương châm bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước.