Nhiều xu hướng mới của tội phạm mua bán người…
Trước năm 2021, nạn nhân chủ yếu bị mua bán sang Trung Quốc thì từ năm 2021 đến nay, nạn nhân bị mua bán sang Lào chiếm 54%; Myanmar chiếm 16%; Campuchia chiếm 14%; Trung Quốc chiếm 12% và trong nước chiếm 04%.
Trước năm 2021, nam giới bị lừa bán sang nước ngoài chiếm 16%, nữ giới chiếm 84% thì từ năm 2021 đến nay, số nam giới đã tăng lên 64%, nữ giới chiếm 36%.
Trước năm 2021, nạn nhân mua bán người chủ yếu là người dân tộc thiểu số chiếm 84%, dân tộc Kinh chiếm 16%. Nhưng từ năm 2021 đến nay, nạn nhân chủ yếu là dân tộc Kinh, chiếm 78%, dân tộc thiểu số chiếm 22%.
Từ năm 2021 về trước, nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người chủ yếu tập trung vùng sâu, vùng xa thì sau 2021, con số này tại vùng đồng bằng chiếm 81%, miền núi chiếm 15%, các thành phố lớn chiếm 04%.
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, từ những con số biết nói trên cho thấy, tội phạm mua bán người đã có xu hướng mới. Chúng hoạt động ngày càng đa dạng, phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Phần lớn các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...
Thủ đoạn của các đối tượng đa số thông qua các tài khoản mạng xã hội, lập các hội, nhóm “lao động việc nhẹ, lương cao”, “tìm dâu cho người Trung Quốc” để mua bán người. Theo con số thống kê từ các vụ triệt phá, 94% các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, chủ yếu tài khoản “ảo” để thực hiện các hành vi lừa gạt, tuyển mộ, chuyển giao và tiếp nhận nạn nhân.
![]() |
Lực lượng biên phòng trong một chuyên án giải cứu nạn nhân của tội phạm mua bán người. |
Các phương thức mua bán người chủ yếu vẫn là: mua bán người từ Việt Nam sang Lào, Campuchia, Myanmar… nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục và ép thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến.
Chúng lợi dụng môi giới lao động biển (“cò ngư phủ”), lừa gạt, cưỡng bức người lao động trên các tàu cá, nhiều người bị bạo hành; mua bán phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc nhằm mục đích kết hôn trái phép; mua bán trẻ em gái và phụ nữ nhằm cưỡng bức tình dục trong các cơ sở giải trí “trá hình” ở trong nước.
Đặc biệt nổi lên hoạt động mua bán người, lừa gạt người Việt Nam sang các nước trong khu vực (Campuchia, Lào, Myanmar), sau đó ép hoạt động lừa đảo trực tuyến (thường lừa đảo chính người Việt Nam ở trong nước) theo kịch bản lừa đảo đã được xây dựng bài bản, phù hợp với văn hoá và dân trí của người Việt Nam. Nếu nạn nhân không hợp tác hoặc có hoạt động lừa đảo nhưng không đảm bảo “chỉ tiêu” sẽ bị các đối tượng nhốt, đánh đập, thậm chí là chích điện, đòi tiền chuộc rất cao.
…và những cuộc giải cứu nghẹt thở
Ngày 24/11/2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận đơn tố cáo của cháu T.T.D.H, (SN 2009, ấp Xung Thum B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) về việc bị một người phụ nữ tên Ngô Thị Kim Yến, nick Facebook "Yếnn Bắpp", (sinh năm 2002, ngụ khóm Vĩnh Trung, phường 2, thị xã Vĩnh Châu), giới thiệu làm việc tại tỉnh Tây Ninh với mức lương 23 triệu đồng/tháng, nhưng lại đưa sang Campuchia làm việc cho công ty của người nước ngoài mỗi ngày từ 13 đến 16 giờ và không được trả lương đầy đủ, còn bị bóc lột sức lao động, sau đó đòi tiền chuộc.
Qua điều tra, các trinh sát xác định người có nick Facebook là "Yếnn Bắpp" có tên thật là Ngô Thị Mỹ Yên (sinh năm 2002, ngụ khóm Vĩnh Trung, phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Đối tượng Yên đã dùng nick Facebook, Zalo "Yếnn Bắpp", "Mỹ Yến" đăng thông tin tuyển dụng lao động độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, biết sử dụng máy tính căn bản, làm việc tại tỉnh Tây Ninh, lương một tháng từ 20 đến 25 triệu đồng.
Yên trực tiếp hướng dẫn nạn nhân đi đến khu vực giáp biên giới rồi tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh trái phép bằng đường mòn, lối mở sang Campuchia trong đêm tối rồi bán vào công ty chuyên lừa đảo giới thiệu việc làm qua các trang mạng xã hội.
Trước vụ việc nghiêm trọng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phê duyệt xác lập Chuyên án ST1223 để phối hợp, đấu tranh, làm rõ hành vi của các đối tượng trong đường dây mua bán người này. Qua đấu tranh, điều tra, xác minh, ngày 4/1/2024, Ban Chuyên án đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Ngô Thị Mỹ Yên, sinh năm 2002, ngụ khóm Vĩnh Trung, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và hoàn chỉnh thủ tục bàn giao người, hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng.
Lực lượng đã giải cứu 3 nạn nhân: Tăng Thị DH, sinh năm 2009, trú tại Vĩnh Châu/Sóc Trăng; Triệu N.T, sinh nâm 2003 và Huỳnh T.M.N, sinh năm 2004, cùng trú tại Vĩnh Châu/Sóc Trăng bị bán sang Campuchia ép hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Ngay sau đó, tháng 5/2024, Bộ đội Biên phòng Nam Định bắt 3 đối tượng; giải cứu và xác định 7 nạn nhân (quê Nam Định, Thanh Hóa và Hòa Bình) bị bán sang Myanmar ép hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Ngay trong đầu năm 2025, Phòng Phòng, chống mua bán người/Cục Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng bắt 4 đối tượng: Kim Thị Xuân, Thạch Thiện, Trần Thị Hiền và Thạch Thị Lai, trú tại ấp Tân Nam/xã Vĩnh Tân/thị xã Vĩnh Châu/Sóc Trăng); giải cứu nạn nhân Thạch.T.C.T, trú tại Vĩnh Châu/Sóc Trăng bị bán sang Trung Quốc ép kết hôn trái phép.
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh cho biết, để lập được các chiến công, hằng năm, tham mưu Bộ Quốc phòng thông báo tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm để các đơn vị tuyên truyền cho nhân dân và phục vụ công tác đấu tranh. Qua đó, tạo thế phòng ngừa toàn diện, chủ động. Nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các đơn vị bộ đội biên phòng xác lập chuyên án và bắt giữ đối tượng phạm tội mua bán người.
Còn nhiều thách thức ngăn chặn tội phạm mua bán người
Trước thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người, chủ yếu hoạt động trên nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook… ảo), Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh cho hay, công tác phòng chống tội phạm mua bán người gặp không ít thách thức.
Đầu tiên là quy định của pháp luật hình sự về tội phạm mua bán người còn nhiều bất cập. Thí dụ như, lực lượng phải chứng minh tội phạm đã đạt được mục đích “nhận tiền hoặc nạn nhân đã bị bóc lột”, trên thực tế mục đích này thường hoàn thành khi nạn nhân đã bị đưa ra nước ngoài (xảy ra ở nước ngoài). Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hình sự về tội phạm mua bán người phải chứng minh được tội phạm đã sử dụng thủ đoạn lừa gạt hoặc cưỡng bức nạn nhân (thực tế chứng cứ vật chất rất ít, khó thu thập do được tội phạm thực hiện hoàn toàn trên mạng xã hội)…
Một yếu tố khó khăn là tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn. Việc điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang, chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo thì đối tượng và hành vi phạm tội mới bị phát hiện, điều tra.
![]() |
Thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, nhiều người nhẹ dạ cả tin bị sập bẫy. |
Trong tình huống một số vụ án, khi đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân (tức không có lời khai bị hại) hoặc nạn nhân chưa tố giác thì các cơ quan tố tụng cho rằng chưa đủ chứng cứ để khởi tố điều tra và xử lý đối tượng (kể cả trong vụ án có từ 2 đối tượng trở lên). Do đó tại một số địa phương, Viện Kiểm sát nhân dân không phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng nghĩa với việc đối tượng phạm tội không bị xử lý, dẫn đến vụ án kéo dài, vụ án bị đình chỉ.
“Người lao động Việt Nam bị ràng buộc bởi các hợp động lao động nên khi muốn trở về Việt Nam phải nộp tiền chuộc rất cao; lực lượng chức năng của Lào, Campuchia chỉ can thiệp, giải cứu khi bộ đội biên phòng có đủ chứng cứ là nạn nhân bị mua bán…”, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh nói.
Việc phát hiện và triệt phá tận gốc các đường dây mua bán người gặp khó khăn do đối tượng, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội cả trong và ngoài nước, trong đó các đối tượng cầm đầu thường không lộ diện và chủ yếu dùng điện thoại, mạng xã hội để chỉ đạo, điều hành.
Công tác điều tra tội phạm và giải cứu nạn nhân người Việt Nam ở nước ngoài gặp trở ngại nhất định do quy định pháp luật của nước sở tại; một số nạn nhân bị khai khống tuổi, làm giả hồ sơ.
Theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, để ngăn chặn những người nhẹ dạ cả tin “việc nhẹ, lương cao”, các lực lượng cần phối hợp triển khai truyền thông tại các địa bàn trọng điểm, tập trung nhóm có nguy cơ cao bị mua bán nhằm phòng ngừa tội phạm mua bán người và tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế rất quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người.