Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 6/2024, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, đa số các ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Luật thể hiện tính ưu việt so với Luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề lớn: Khái niệm “mua bán người”; khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hành vi mua bán bào thai; chính sách của Nhà nước về phòng chống mua bán người; chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Cụ thể, về khái niệm mua bán người, trong dự thảo Luật đã mở rộng hơn một số nội dung so với pháp luật hiện hành; trong đó nội dung: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, chỉ cần có yếu tố hành vi và mục đích đã bị coi là hành vi mua bán người, do người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên sẽ được pháp luật bảo vệ cao hơn.
Quy định này cũng phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Cùng với việc mở rộng khái niệm mua bán người, các biện pháp xử lý khác cũng sẽ được xem xét áp dụng bên cạnh biện pháp xử lý hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống mua bán người. Cũng trong dự thảo, trường hợp mua bán người dưới 18 tuổi, kể cả có sự đồng thuận của nạn nhân, vẫn coi là mua bán người.
Dự thảo Luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng chống mua bán người như: Chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quy định về miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, việc bổ sung những nguyên tắc này rất cần thiết, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Ðảng, Nhà nước trong công tác phòng chống mua bán người. Ða số các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung khu vực này vào khu vực được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác phòng chống mua bán người.
Tại chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Ðịnh điều hành phiên họp cho biết: Dự thảo Luật mới nhất có 8 chương 67 điều, tăng một điều so với dự thảo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có 65/67 điều có bổ sung, sửa đổi. Xây dựng luật lần này góp phần khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thích ứng các quy định quốc tế có liên quan.
Ðáng chú ý, một vấn đề vẫn còn được hầu hết các đại biểu quan tâm thảo luận đó là quy định mua bán bào thai. Về hành vi này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế tình trạng mua bán bào thai đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi, nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra. Việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người. Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phù hợp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai...”.
Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người với các quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Về chính sách của Nhà nước về phòng chống mua bán người, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật và cho rằng, chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống mua bán người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn là chính sách mới, hoàn toàn đúng đắn và phù hợp thực tế, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta trong phòng chống mua bán người tại những địa bàn này.
Các đại biểu đề nghị quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình trạng mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, rà soát để bảo đảm không chồng chéo với ba chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt…
Về việc trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được trợ giúp pháp lý như nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và đánh giá tác động và sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính thống nhất.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người. Bởi, đồng bào dân tộc thiểu số luôn là nạn nhân của vấn nạn mua bán người, là đối tượng luôn bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ nên rất cần được tiếp cận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mua bán người.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, đối với các ý kiến của đại biểu, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, tránh việc nhiều cách hiểu khác nhau; thống nhất để hoàn thành dự thảo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.