Tham dự Đại hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và 250 đại biểu đại diện các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
Theo đại diện ban Dân tộc thành phố, từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ 3 năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của thành phố trong việc ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện kinh tế, xã hội.
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã với gần 107.850 người, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố.
Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 10%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Câu chuyện văn hóa: Hà Nội chú trọng thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đại hội các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ 4 đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2029, gồm: Thu nhập bình quân của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%-85% và 100% thôn, làng có nhà văn hóa; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%.
Đại hội tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.