Thừa Thiên Huế chủ động phòng ngừa, ứng phó mưa lớn trên diện rộng

NDO - Trước diễn biến mưa lớn trong nhiều giờ, dự báo mưa sẽ diễn ra trên diện rộng với lưu lượng tăng dần, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành lệnh vận hành hồ chứa thủy điện Bình Điền điều tiết lượng nước xả về hạ du phù hợp, nhằm tăng dung tích phòng lũ của hồ chứa.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ chứa thủy điện Bình Điền nhận lệnh điều tiết nước qua tràn và tua-bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 650 - 900m3/giây.
Hồ chứa thủy điện Bình Điền nhận lệnh điều tiết nước qua tràn và tua-bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 650 - 900m3/giây.

Chiều 3/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ 8 giờ 30 phút ngày 3/11, hồ chứa thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương bắt đầu vận hành điều tiết qua tràn và tua-bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 650-900m3/giây; điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.

Mưa lớn, thủy điện tăng lưu lượng xả nước

Mực nước hồ Bình Điền lúc 7 giờ cùng ngày ở mức +77,41 m, lưu lượng đến hồ 230m3/giây, lưu lượng về hạ du 514 m3/giây. Trong khi đó, mực nước hồ thủy lợi, thủy điện Tả Trạch (thuộc thượng nguồn sông Hương) đang đạt mức +30,09 m, lưu lượng đến hồ 83 m3/giây, lưu lượng về hạ du 203 m3/giây.

Hiện nay, qua theo dõi số liệu báo cáo hồ Tả Trạch đã đạt mực nước thấp nhất đón lũ, lưu lượng vận hành giảm, mực nước sông Hương tại Kim Long ở mức thấp + 1,3 m.

Nhằm hạ dần mực nước hồ, tăng dung tích phòng lũ, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du trong những ngày đến, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đã ban hành lệnh vận hành hồ chứa thủy điện Bình Điền nhằm tạo dung tích phòng lũ,bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du những đợt thiên tai trong thời gian tới với dự báo mưa to, mưa rất to.

Thừa Thiên Huế chủ động phòng ngừa, ứng phó mưa lớn trên diện rộng ảnh 1
Cơn bão số 6 (Trami) vào cuối tháng 10 vừa qua gây mưa rất to, nước biển dâng cao ở Thừa Thiên Huế.

Tiếp theo Lệnh vận hành số 01/LVH-PCTT ngày 28/10/2024 và Lệnh vận hành số 04/LVH-PCTT ngày 30/10/2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 650-900m3/giây. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng trên 650m3/giây, bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút ngày 3/11/2024.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty CP Thủy điện Bình Điền tổ chức thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long.

Các địa phương thuộc hạ du hồ chứa thủy điện Bình Điền nghiêm cấm các hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá… trên sông, hồ (trừ các trường hợp đặc biệt và có ý kiến chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền), thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh.

Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức trực ban vận hành hệ thống cửa đập, cống bảo đảm khả năng thoát lũ cho vùng hạ du thủy điện Bình Điền.

Thừa Thiên Huế chủ động phòng ngừa, ứng phó mưa lớn trên diện rộng ảnh 2
Trong 24 giờ qua, tại địa phương trong tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, gây ngập lụt một số tuyến đường.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 24 giờ qua, tại địa phương này có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi cao hơn, như Bạch Mã 152.4mm, đỉnh Bạch Mã 163.2mm. Dự báo, từ chiều ngày 3/11 đến 19 giờ ngày 05/11, tại Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm. Cảnh báo: từ đêm 5/11-9/11, tiếp tục có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 300-550mm, có nơi trên 700mm. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 500-850mm, có nơi trên 1000mm.

Chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Văn Hòa cho biết, Đây là đợt mưa rất phức tạp, kéo dài nhiều ngày, mưa tập trung mạnh nhất từ ngày 5 đến ngày 8/11. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn là cấp 1. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ, lũ lụt, lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà…

Nhằm chủ động ứng phó với đợt mưa lớn kéo dài trong những ngày đến, ngày 3/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đã ký công văn gửi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố, chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất với phương châm "bốn tại chỗ".

Thừa Thiên Huế chủ động phòng ngừa, ứng phó mưa lớn trên diện rộng ảnh 3
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, bão số 6, nhất là tại các địa phương ven biển thành phố Huế, các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc; tuyên truyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày.

Theo dõi sát diễn biến của mưa lớn trong những ngày tới được cập nhật trên trang thông tin Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (https://kttv.gov.vn, https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn), Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, ứng dụng Hue-S, trang Facebook Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa lũ chia cắt, kéo dài nhiều ngày. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh kiểm tra các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt.

Tiếp tục chủ động vận hành hồ chứa bảo đảm dung tích đón lũ cho các đợt mưa lớn trong những ngày tới; trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.

Thừa Thiên Huế chủ động phòng ngừa, ứng phó mưa lớn trên diện rộng ảnh 4

Hỗ trợ người dân neo đậu tàu, thuyền bảo đảm an toàn.

Rà soát phương án bảo đảm an toàn giao thông khu vực dễ bị chia cắt, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và nhà nước.

Hỗ trợ người dân ứng phó mưa lớn

Ngày 3/11, Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an thành phố Huế tiến hành tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường sông Hương thuộc phạm vi quản lý hỗ trợ người dân ứng phó đợt mưa lớn trên diện rộng.

Để người dân chủ động ứng phó với mưa lớn gây lũ và ngập úng, đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an thành phố Huế đã phối hợp Công an các phường: Đông Ba, Thuận Hòa, Gia Hội, Vĩnh Ninh và Phú Mậu (thành phố Huế) hỗ trợ người dân neo đậu tàu, thuyền bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, các cán bộ chiến sĩ Công an thành phố Huế đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không bố trí người ở trên phương tiện khi có mưa bão xảy ra (cho 90 phương tiện thuyền du lịch, 40 phương tiện thuyền dân sinh, 2 bến đò ngang…).

Thừa Thiên Huế chủ động phòng ngừa, ứng phó mưa lớn trên diện rộng ảnh 5
Công an TP Huế vận động các chủ thuyền di chuyển đến nơi neo đậu an toàn đề phòng mưa lũ.

Cán bộ chiến sĩ của các đơn vị đã tăng cường lực lượng ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị cần thiết (ca-nô, phao cứu sinh, trang thiết bị an toàn…) để thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.