Có tình trạng “lách luật” để mua đi bán lại nhà ở xã hội

NDO - Đại biểu Quốc hội nêu một thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có những người sở hữu nhà ở xã hội nhưng lại không trong diện thụ hưởng ưu đãi này; có tình trạng “lách luật” để mua đi, bán lại nhà ở xã hội, dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội để xử lý các sai phạm

Thảo luận ở hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội ngày 28/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, về phát triển nhà ở xã hội, vừa qua có một vấn đề quan trọng nổi lên, đó là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng.

Có tình trạng “lách luật” để mua đi bán lại nhà ở xã hội ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu dẫn chứng một thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có những người sở hữu nhà ở xã hội không phải người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này, không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay thu nhập thấp như trong quy định.

“Thậm chí có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai đang ở trong nhà ở xã hội, chắc rằng sẽ có những người không đúng đối tượng được ưu đãi”, đại biểu nêu.

Nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, thực trạng trên có nhiều nguyên nhân như có sai phạm và sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội; có việc “lách luật” để mua đi, bán lại nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.

Do vậy, đại biểu mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong thanh tra, kiểm tra đối tượng sử dụng nhà ở xã hội.

Trong dự thảo nghị quyết Quốc hội, có nội dung giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về nhà ở xã hội.

Đại biểu Việt Nga đề nghị bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội để xử lý các sai phạm liên quan và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng quy định của pháp luật; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi chính sách.

Có tình trạng “lách luật” để mua đi bán lại nhà ở xã hội ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình). (Ảnh: DUY LINH)

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình), dự thảo Nghị quyết cần quy định thêm các nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng, mua nhà ở xã hội để bán sang tay, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước để cho thuê… trong thời gian tới.

Cần có giải pháp đột phá để đẩy nhanh nhà ở xã hội

Quan tâm tới vấn đề phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch.

Đồng thời, sửa đổi các chính sách thu hút để thu hút các nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội được tiếp cận tốt hơn với chính sách.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động.

Có tình trạng “lách luật” để mua đi bán lại nhà ở xã hội ảnh 3

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa). (Ảnh: DUY LINH)

Khắc phục tình trạng một số dự án lợi nhuận thấp, thời gian kéo dài, không khuyến khích được nhà đầu tư; cụ thể hóa chính sách đặc thù cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp; cần đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở xã hội và các hình thức thuê, cho thuê, thuê mua, mua với giá cả hợp lý để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.

Cũng theo đại biểu đoàn Thanh Hóa, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện các dự án đầu tư nhà ở xã hội; các thủ tục hành chính trong việc xét duyệt đối tượng đủ điều kiện tham gia mua nhà ở xã hội để vừa thuận tiện, vừa đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về nhà ở xã hội.

Sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Đồng thời, bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay... tránh tình trạng chính sách rất tốt nhưng lại bị một “rừng thủ tục” cản trở.