Báo Nhân Dân trao tặng 4.500 ấn phẩm đặc biệt “Cột cờ Hà Nội” cho các trường học và bạn đọc Hà Nam

Ngày 15-16/10, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Hà Nam đã trao tặng 4.500 ấn phẩm phụ san đặc biệt “Cột cờ Hà Nội” cho Sở Giáo dục và Đào tạo, thư viện tỉnh và bạn đọc trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Hà Nam trao tặng ấn phẩm đặc biệt "Cột cờ Hà Nội" cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam.
Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Hà Nam trao tặng ấn phẩm đặc biệt "Cột cờ Hà Nội" cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam.

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Nhân Dân đã ra mắt bạn đọc ấn phẩm đặc biệt của báo in là phụ san đặc biệt “Cột cờ Hà Nội”.

Phụ san đặc biệt gồm 1 trang nội dung về Cột cờ Hà Nội và 1 trang cắt dán mô hình. Bạn đọc có thể cắt, dán trang báo in thành mô hình Cột cờ Hà Nội và tương tác với mô hình thông qua 3 mã QR có nội dung mở rộng và dẫn đến các dự án thú vị khác trong hệ sinh thái của Báo Nhân Dân.

Theo đó, ấn phẩm đặc biệt này được tặng miễn phí tại trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội và các Văn phòng Đại diện Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Báo Nhân Dân trao tặng 4.500 ấn phẩm đặc biệt “Cột cờ Hà Nội” cho các trường học và bạn đọc Hà Nam ảnh 1

Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Hà Nam trao tặng ấn phẩm đặc biệt "Cột cờ Hà Nội" cho bạn đọc.

Tại tỉnh Hà Nam với số lượng 4.500 ấn phẩm đã được Văn phòng Đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh trao tặng đến khối giáo dục, thư viện tỉnh và đông đảo bạn đọc trên toàn tỉnh.

Đây là nỗ lực của Báo Nhân Dân trong lộ trình chuyển đổi số, gắn kết báo in truyền thống với nền tảng công nghệ nhằm tạo ra trải nghiệm mới mẻ, phục vụ và thu hút công chúng tốt hơn, đặc biệt là độc giả trẻ.

Trước đó, vào ngày 7/5, Báo Nhân Dân đã ra mắt phụ san panorama và triển lãm tương tác Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phụ san panorama gồm 8 trang thông tin đặc biệt: 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch và 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Bạn đọc có thể cắt, ghép thành bức tranh panorama dài tới 3,21m và tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR. Công nghệ này cho phép người dùng xem một bức tranh panorama động trong chiều không gian vật lý.